Từ giữa tháng này, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bắt đầu thực hiện chính sách giảm đồng loạt 1%/năm lãi suất cho vay tại 10 tỉnh miền Trung, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng bão lũ.
Việc giảm lãi suất áp dụng toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới. Giảm đồng loạt bởi bão lũ đều ảnh hưởng mọi khách hàng.
Ước tính Vietcombank giảm khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận ở đợt hỗ trợ này. Tính chung các đợt giảm từ đầu năm, chủ yếu trong hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tổng giá trị hỗ trợ vào khoảng 3.000 tỷ đồng.
Có điều kiện để… giảm lợi nhuận
3.000 tỷ đồng là mức lợi nhuận cả năm của một ngân hàng tầm trung. Với Vietcombank, quy mô này vào khoảng 10% khả năng đạt tổng lợi nhuận năm nay, tức ước tính có thể lên tới 30.000 tỷ đồng, nếu trong điều kiện bình thường.
Từ giữa năm, khi trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank từng tính toán: Chắc chắn năm nay không đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận như trước, mà định hướng Ngân hàng Nhà nước đề cập đến khả năng có thể giảm 40% lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng nếu Covid-19 tiếp tục phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Tuy nhiên, sau cân đối, đến giữa năm lợi nhuận của ngân hàng mới chỉ giảm khoảng 3%.
Cập nhật tiếp đến quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đã giảm "được" khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. "Được", vì là NHTM có vốn nhà nước chi phối, định hướng trên của Ngân hàng Nhà nước vẫn là một tham khảo dù Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam cho đến nay.
Mặt khác, từ tháng 2, khi Covid-19 bùng phát và ở đợt đầu tiên giảm lãi suất cho vay trong năm, lãnh đạo Vietcombank khi đó đã nói rằng, bối cảnh này không nhắm đến mục tiêu lợi nhuận nữa, mà đặt trọng tâm hỗ trợ khách hàng để cùng an toàn, cùng vượt qua biến cố bất thường.
Khi không nhắm chỉ tiêu tăng trưởng như trước, cũng như có định hướng trên của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank có điều kiện để giảm lãi suất cho vay mở rộng hơn, cũng như có phần chủ động giảm lợi nhuận.
Về điều kiện hoạt động, chi phí vốn đầu vào của ngân hàng này đang thấp nhất hệ thống, qua biểu lãi suất huy động luôn áp thấp nhất trong ba năm qua. Dù vậy, tăng trưởng huy động vốn vẫn giữ nhịp.
Có một điểm được chú ý, đến kỳ báo cáo gần nhất, lợi thế rất lớn từ nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank đã không còn, chốt quý 3/2020 chỉ hơn 1.000 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức này cũng trống không. Còn trước đó, cuối 2019 tổng quy mô này từng có tới gần 90.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, như trên, tăng trưởng huy động vốn vẫn giữ nhịp, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại đây vẫn ở nhóm đầu hệ thống với 29,5%, giúp pha loãng chi phí đầu vào.
Chi phí vốn đầu vào, theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cũng chưa bao giờ thuận lợi đến như vậy.
"Có lẽ những người làm ngân hàng hiện nay chưa bao giờ thấy mặt bằng lãi suất thấp đến như vậy. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cùng giảm hẳn về gần 0%", ông Thành nói, và xem đây là một điều kiện thực tế để giảm lãi suất cho vay.
Cũng theo ông Thành, với điểm rơi này, không thể nói là khó vay ngân hàng vì lãi suất nữa.
Của chìm đã chủ động trước
Bên cạnh những yếu tố trên, cơ sở để Vietcombank hỗ trợ được khoảng 3.000 tỷ đồng qua các đợt giảm lãi suất cho vay còn gắn với đặc điểm hoạt động.
Từ 5 năm trước, "ông lớn" truyền thống bán buôn này đã sớm dịch chuyển mạnh sang bán lẻ. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã vượt trên 50%, phân khúc tạo lãi biên tốt hơn để tích lũy lợi nhuận.
Thêm nữa, đây cũng là thành viên sớm dịch chuyển được cơ cấu thu mạnh hơn về dịch vụ, giảm thiểu dần lệ thuộc vào tín dụng. Nếu như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam mà Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu đến cuối 2020 hệ thống tăng được tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên khoảng 12 - 13%, thì Vietcombank đã đạt tỷ trọng này trên 20% từ nhiều năm trước (cập nhật đến cuối quý 3 vừa qua ở mức 24%).
Cũng chủ động từ nhiều năm trước, sau khi tất toán xong nợ bán sang VAMC từ 2017, Vietcombank đẩy mạnh tích lũy nguồn lực dự phòng. Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro bao nợ xấu tại đây liên tục tăng cao và dẫn đầu hệ thống; đến cuối quý 3/2020 đã lên tới 215%, tức hơn gấp đôi lượng nợ xấu.
Cụ thể, đến 30/9/2020 Vietcombank đã có 16.882 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, riêng 9 tháng đầu năm trích khoảng 6.000 tỷ. Đây cũng chính là của chìm, bởi đi cùng với tiềm năng hoàn nhập trong tương lai.
Thực tế, nợ xấu không có nghĩa là mất đi. Như tại Vietcombank, đều đặn những năm gần đây đều thu hồi được 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm từ nợ ngoại bảng; 9 tháng đầu năm nay là 1.850 tỷ đồng, dự kiến cả năm có thể đạt quanh 2.500 tỷ đồng.
Như vậy, ước lượng tương đối từ những con số trên, nếu trong điều kiện hoạt động bình thường, lợi nhuận năm nay của Vietcombank có thể lên tới 30.000 tỷ đồng.
"Phép cộng" có thể thực hiện ở lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đã gần 16.000 tỷ; nếu không trích 6.000 tỷ dự phòng thêm (khi mà tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối 2019 đã lên tới khoảng 170%); nếu không xẩy ra Covid-19 và bão lũ lịch sử vừa qua, trên nền lãi suất 2019, thì 3.000 tỷ hỗ trợ nói trên nữa; cùng bình quân lợi nhuận mỗi quỹ trên 5.000 tỷ với đặc điểm thường dồn cao hơn vào quý 4, hoặc bắt đầu hạch toán lợi nhuận thương vụ bảo hiểm với FWD…
Người Pháp có câu: "Chỉ với một chữ nếu, người ta có thể bỏ Paris vào cái chai". Nhưng những chữ "nếu" trên cho thấy tiềm năng lợi nhuận, của chìm tại Vietcombank. Trong đó có điểm khác biệt được nhìn đến: quy mô lợi nhuận đã không cần đến những khoản thu nhập bất thường từ loạt thương vụ thoái vốn như những năm trước.
Minh Đức
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.15290758091110202-gnod-yt-00003-gnoul-cou-gnort-knabmocteiv-mihc-auc/nv.zibefac