Ngày 18-11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) đã tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19".
Định hướng lại thị trường xuất khẩu
Diễn đàn nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có cái nhìn tổng quan và cụ thể về bức tranh thị trường xuất khẩu thế giới sau dịch Covid-19, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của nó tới một số ngành, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành nông sản, thương mại điện tử...
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết TP xác định mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu là hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường, chia sẻ cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả và gia tăng tỉ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu.
"Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước và thế giới, các hoạt động xuất khẩu của TP cũng chịu ảnh hưởng, dù các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết với các nước bắt đầu có hiệu lực. Do đó, diễn đàn được kỳ vọng sẽ là cơ hội phát huy vai trò cung cấp thông tin giúp DN định hướng lại các thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng, vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nói.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm bên lề Diễn đàn xuất khẩu năm 2020 Ảnh: LAM GIANG
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC, nhận định 2020 là năm rất đặc biệt đối với Việt Nam khi cùng lúc xuất hiện đan xen cả cơ hội và thách thức. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng nền kinh tế vẫn đạt những tín hiệu tích cực như xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 229 tỉ USD, thặng dư thương mại kỷ lục 18,72 tỉ USD.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết ngày 15-11 mở ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá.
"Với việc 13 FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới. ITPC sẽ tiếp tục triển khai giải pháp cụ thể hỗ trợ DN TP nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế" - ông Nguyễn Hữu Tín nhìn nhận.
Có một thực tế, theo các chuyên gia, mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực còn hạn chế, dù là nền kinh tế mở nhất thế giới. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam cũng còn thấp. Theo Báo cáo phát triển thế giới năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, mức độ tham gia của Việt Nam đang ở cấp độ "chế biến chế tạo mức hạn chế" và cần tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao năng suất. Một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ "chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến" (cao hơn một cấp so với Việt Nam).
Tận dụng lợi thế
Báo cáo phát triển thế giới năm 2020 cũng chỉ rõ, ước tính cứ 1% tăng lên trong sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó lên hơn 1% (nhiều hơn 2 lần so với thương mại truyền thống). Do vậy, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.
Với ngành nông lâm thủy sản, dù bị tác động nặng nề của đại dịch nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu 1,6% so với cùng kỳ. Dù vậy, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, dẫn số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho thấy tỉ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25%-30% tổng sản lượng nông sản. Con số này mới bằng một nửa so với các nước ASEAN, nhiều sản phẩm trong số đó đạt tỉ lệ rất thấp như rau, quả, thực phẩm, cà phê...
Để đưa nông sản Việt Nam tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Thiết Hòa cho rằng còn rất nhiều việc phải làm mà trước mắt là tận dụng lợi thế từ các FTA thế hệ mới. Bởi các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. Cụ thể, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô… được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm.
"Hay EVFTA, phía EU cam kết sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định đối với sản phẩm từ gạo và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hằng năm. Nhu cầu của thị trường EU về các sản phẩm rau quả nhiệt đới rất lớn, sẽ là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này. EU cam kết xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả" - ông Phạm Thiết Hòa nói.
Nhằm đẩy mạnh đưa hàng và chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia khuyến nghị cộng đồng DN cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt...
Nhiều hoạt động hỗ trợ
ITPC đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại, nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Các hoạt động như tổ chức đoàn khảo sát thị trường; cung cấp thông tin thị trường; kết nối DN trong nước với hệ thống bán lẻ nội địa và nước ngoài như Big C, AEON, Wellness, SATRA, Saigon Co.op; làm cầu nối giúp DN phát triển hoạt động giao thương thông qua sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon... được tổ chức thường xuyên.
Xem thêm: mth.64622410281110202-iom-gnu-gnuc-iouhc-gnort-nas-gnon-auc-hnam-eht/et-hnik/nv.moc.dln