vĐồng tin tức tài chính 365

Khó kích cầu tiêu dùng vì quá bận rộn?

2020-11-19 11:26

Khó kích cầu tiêu dùng vì quá bận rộn?

Nguyễn Bảo Quốc

(TBKTSG) - Việt Nam đã khống chế thành công làn sóng dịch Covid-19 thứ 2, nhưng cửa khẩu vẫn phải đóng để giữ an toàn cộng đồng trong nước và điều này có thể còn kéo dài cho đến khi có vaccin hiệu quả. Trước tình hình này chúng ta một mặt vẫn phải cố gắng xuất khẩu và mặt khác cần có biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Và, muốn kích cầu thành công, ngoài việc thu nhập của người dân phải tăng lên thì họ cũng cần có thêm thời gian để tiêu tiền.

Nên chia nhỏ các kỳ nghỉ của học sinh thay vì chỉ tập trung vào mùa hè. Ảnh: THÀNH HOA

Tiềm năng nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh

Thị trường tiêu dùng nội địa lâu nay dường như chưa được chú trọng. Dân số Việt Nam hiện nay là 97,6 triệu, đứng thứ ba Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 70% dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 35. Tầng lớp trung lưu chiếm 13% dân số và dự kiến đến năm 2026 số lượng người tiêu dùng trung lưu sẽ tăng lên đến 26%. Với cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp trung lưu không ngừng tăng lên, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng về thị trường nội địa tiềm năng này.

Ngày 1-7-2020, Bộ Công Thương phát động “Các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020’’. Đã có hơn 3.000 chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp trên toàn quốc trong suốt tháng 7.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch lần 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống trong nước. Các tour du lịch sẽ có giá hấp dẫn, chương trình đa dạng, chính sách đổi, hủy tour linh hoạt,... “Chuỗi cung ứng’’ lữ hành - vận chuyển - lưu trú - tham quan và vui chơi -  ăn uống - mua sắm tuân thủ quy trình an toàn phòng chống dịch bệnh đảm bảo tiêu chí an toàn. 

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, giảm đến 3%.

Thị trường nội địa tiềm năng và kích cầu được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Vì sao vậy? 

Kết quả không khả quan trên phản ánh ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần 2, với giãn cách xã hội cục bộ ở một số tỉnh thành. Ảnh hưởng trên dẫn đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm, người lao động thất nghiệp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Kết quả trên còn có thể do các hoạt động hỗ trợ tiêu dùng chưa được thúc đẩy mạnh mẽ (các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, tín dụng tiêu dùng, giảm thuế cho doanh nghiệp, lãi suất vay...).

Thời gian rảnh rỗi nhiều hơn cho tiêu dùng

Tuy nhiên chúng ta nên xét thêm một khía cạnh khác chưa được chú trọng trong chiến lược kích cầu. Đó là thời gian rảnh rỗi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện nay đã thực sự có nhiều thời gian để thư giãn ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, đi du lịch,... cùng gia đình, người thân, bạn bè?

Chúng ta hãy xem xét bốn yếu tố tạo ra thời gian rảnh rỗi của người tiêu dùng, gồm nghỉ hè (học sinh, sinh viên), tổng các ngày nghỉ lễ trong năm, tổng các ngày phép năm và tổng giờ làm trong một tuần, để xem đã hợp lý chưa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chia nhỏ thời gian nghỉ hè của học sinh

Bên cạnh hai tuần nghỉ Tết Nguyên đán, hiện nay học sinh chỉ có kỳ nghỉ hè ba tháng (từ tháng 6 đến tháng 8). Tổng cộng là 14 tuần. Lịch nghỉ này dường như thiếu cân đối. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, họ chia lịch nghỉ làm nhiều kỳ nghỉ nhỏ theo mùa trong suốt một năm học. Đơn cử như các kỳ nghỉ của học sinh Mỹ theo như bảng 1.

Do đó, chúng ta nên xem xét cắt ngắn kỳ nghỉ hè từ ba tháng xuống còn chín tuần (từ 1-6 đến 7-8). Ba tuần còn lại cho nghỉ rải ra trong năm (bảng 2). 

Với lịch nghỉ mới cân đối này, học sinh sẽ được nghỉ xả hơi cách quãng suốt năm học để giảm áp lực học tập. Kế hoạch du lịch của gia đình cũng sẽ linh hoạt hơn thay vì chỉ tập trung vào mùa hè.

Thêm ngày nghỉ lễ

Hiện nay chúng ta chỉ có tổng cộng 10 ngày nghỉ lễ trong một năm (từ năm 2021 là 11 ngày do lễ Quốc khánh được tăng thêm một ngày). Con số này vẫn ở mức trung bình thấp so với các nước.

Chúng ta nên xem xét tăng thêm ngày nghỉ lễ từ những ngày kỷ niệm. Một số ngày kỷ niệm đã được quốc tế hóa như lễ Tình nhân (Valentine), Giáng sinh (Christmas),... Một số ngày kỷ niệm truyền thống lâu đời như Phật đản (Vesak), Tết Đoan ngọ, Trung thu,... Tất cả những ngày kỷ niệm nói trên vẫn được các tổ chức tôn giáo và xã hội tổ chức kỷ niệm long trọng và tưng bừng với các hoạt động lễ nghi tôn giáo, hoạt động vui chơi giải trí, khuyến mại mua sắm và du lịch,... Người dân thực sự có nhu cầu được nghỉ lễ để vui chơi. Nhưng vì không phải là ngày nghỉ nên mãi lực tiêu dùng bị hạn chế khá nhiều. Cơ hội kích cầu cũng không đạt như mong muốn.

Do đó, Chính phủ nên xem xét để tăng tổng các ngày nghỉ lễ sẽ tăng từ 10 ngày lên 17 ngày, tương đương con số trung bình của nhiều nước trong khu vực.

Tăng nghỉ phép cho người lao động

Theo số liệu khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) với 155 nước về thời gian nghỉ phép, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép ít nhất thế giới (12 ngày), chỉ hơn 31 nước, ngang với 8 nước và ít hơn 110 nước.

Nên chăng chúng ta xem xét tăng ngày nghỉ phép khởi điểm cho người lao động bằng với mức trung bình của thế giới (15 ngày) và số năm làm việc tiếp theo để được cộng thêm một ngày phép nên giảm từ năm năm xuống còn hai hoặc ba năm?

Giờ làm việc trong tuần

Theo TLĐLĐVN dựa trên khảo sát 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam thuộc nhóm 40 nước có tổng giờ làm/tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Các nước châu Âu trung bình dưới 40 giờ/tuần. Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia chỉ làm 40 giờ/tuần. Hàn Quốc, Singapore dưới 45 giờ/tuần.

Với quy định ngày làm việc 8 giờ thì phần lớn người lao động làm việc cả ngày thứ Bảy. Do đó nên xem xét giảm con số này xuống 44 giờ/tuần. Người lao động sẽ có thêm thời gian rảnh cho việc mua sắm, giải trí, du lịch ...   

Với thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, người lao động sẽ tái tạo sức lao động tốt hơn, cho năng suất lao động cao hơn. Người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn. Kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ thành công. 

Xem thêm: lmth.nor-nab-auq-iv-gnud-ueit-uac-hcik-ohk/687013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khó kích cầu tiêu dùng vì quá bận rộn?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools