vĐồng tin tức tài chính 365

Ba vụ án gây tranh cãi về phòng vệ chính đáng ở Trung Quốc

2020-11-19 16:52

Tối 27/8/2018 tại thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, Vu Hải Minh, 41 tuổi, đang đi xe đạp điện đúng làn đường thì bị chiếc xe BMW do Lưu Hải Long, 36 tuổi, điều khiển lấn làn đụng phải. Từ trên xe BMW, một đôi nam nữ bước xuống đỡ Minh lên vỉa hè.

Khi đôi bên có vẻ đã hòa giải xong, Long xuống xe gây hấn dù được bạn ngăn cản. Sau hồi xô xát, Long rút dao trong xe chém nhiều lần về phía Minh. Khi con dao trượt khỏi tay Long trong lúc giằng co, Minh lập tức nhặt lên phản công và không ngừng truy đuổi, kể cả khi đối phương bỏ chạy.

Khi cảnh sát tới hiện trường, Minh chém Long ít nhất 6 nhát. Cả hai được đưa đi cấp cứu nhưng Long chết vì mất máu, thương tích của Minh không đe dọa tới tính mạng.

Ba vụ án gây tranh cãi về phòng vệ chính đáng
 
 

Long gây hấn với Minh. Video: Nanjing Dushi Bao.

Sự việc đã gây tranh cãi về hành động của Minh có phải phòng vệ chính đáng hay không. Nhiều người ủng hộ Minh khi được biết Long có tiền án tiền sự về tội Trộm cắp, Phá hoại tài sản, Cố ý gây thương tích.

Nhiều luật sư đánh giá Minh đã phòng vệ chính đáng. Luật sư Ye Zhusheng, giảng viên tại trường luật thuộc Đại học Công nghệ Hoa Nam, cho rằng thay vì dừng lại, Long cố nhặt con dao sau khi trượt tay. Trước đó, Long cũng rút dao từ trong xe nên Minh có căn cứ hợp lý tin rằng đối phương có thể lấy thêm công cụ để tấn công.

Ngược lại, một số luật sư cho rằng Minh phải chịu trách nhiệm hình sự vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo Bao Hua, luật sư hãng luật Lanting, quy định pháp luật về phòng vệ chính đáng chỉ cho phép Minh cầm dao đẩy lùi Long. Vì Minh tiếp tục tấn công khi Long đã bỏ chạy nên đây là hành vi cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, trước khi chạy ra xe, Long đã bị tấn công 5 lần nên kể cả trong xe có công cụ khác, anh ta cũng không thể tiếp tục tấn công, theo Deng Xueping, luật sư làm việc tại Thượng Hải. Theo ông này, Long khi ấy đang cố chạy trốn.

Cuối cùng, ngày 1/9/2018, cảnh sát thành phố Côn Sơn ra kết luận hành vi của Minh là phòng vệ chính đáng, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo cơ quan cảnh sát, Long liên tiếp dùng tay và dao tấn công, xâm phạm nghiêm trọng tới an toàn thân thể của Minh. Kể cả khi bị thương, Long cũng không có dấu hiệu từ bỏ. Ngoài ra, sau khi ngừng truy đuổi, Minh đã chạy lại xe BMW tìm điện thoại của Long để ngăn đối phương gọi đàn em tới trả đũa, phù hợp với ý định phòng vệ chính đáng.

Quyết định không khởi tố của cảnh sát Côn Sơn được viện kiểm sát cùng cấp đồng ý phê chuẩn. Truyền thông trong nước cũng ca ngợi kết quả này và cho rằng đây là "thắng lợi của pháp quyền".

Năm 2018 xảy ra vụ án một gia đình ba người ở tỉnh Hà Bắc hợp sức giết kẻ đột nhập cũng làm dậy sóng dư luận. Tháng 2/2018, Vương Lỗi, 26 tuổi, quen Vương Hiểu (tên đã được thay đổi) trong lúc cùng làm tại quán ăn. Hai tháng sau, Lỗi ngỏ lời nhưng bị Hiểu từ chối.

Trong khoảng tháng 5-6/2018, Lỗi nhiều lần tìm tới nhà riêng, trường học của Hiểu để quấy rầy và uy hiếp, thậm chí dọa tự tử và sát hại người thân Hiểu. Đã bốn lần trình báo cảnh sát nhưng không thể ngăn cản Lỗi, gia đình Hiểu mượn hai con chó trông nhà, lắp camera an ninh, để xẻng, gậy gỗ, và dao trong phòng, đồng thời luân phiên chỗ ngủ của con.

23h ngày 11/7/2018, Lỗi mang dao gọt hoa quả và gậy baton rút gọn, trèo tường đột nhập nhà Hiểu tại huyện Lai Nguyên, thành phố Bảo Định. Thấy Lỗi, bố Hiểu bảo con gái gọi cảnh sát rồi cầm xẻng xông ra nhưng bị chém. Hiểu cùng mẹ sau đó cầm dao và gậy chạy tới giúp. Khi Lỗi trúng dao vào cổ và ngã xuống, bố mẹ Hiểu vẫn dùng gậy và dao tấn công cho tới khi đối phương bất tỉnh.

Bố mẹ Hiểu bị bắt về tội Giết người, Hiểu được tại ngoại. Trong quá trình xử lý vụ án, các cơ quan chức năng cũng không thể thống nhất ý kiến. Kiểm sát viên huyện Lai Nguyên từng đề nghị thả mẹ Hiểu vì cho rằng bà phòng vệ chính đáng, nhưng phía công an không đồng ý vì tình tiết bà đâm thêm nhiều nhát khi Lỗi ngã xuống. Hai lần, viện kiểm sát huyện trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Sự việc được truyền thông Trung Quốc đưa tin liên tục. Tới ngày 24/2/2019, công an huyện Lai Nguyên ra quyết định đình chỉ điều tra với Hiểu vì căn cứ phòng vệ chính đáng. Bố mẹ cô vẫn bị đề nghị truy tố.

Nhưng trước lời kêu gọi của hàng trăm nghìn người dân, đầu tháng 3/2019, viện kiểm sát thành phố Bảo Định đã hủy cáo trạng và trả tự do cho bố mẹ Hiểu vì nhận định hành vi của hai người là phòng vệ chính đáng. "Trước hành động bạo lực của Lỗi, họ có thể đáp trả bằng hành vi tự vệ không giới hạn", viện kiểm sát nhận định. Việc bố mẹ Hiểu không ngừng tay khi Lỗi ngã xuống là phòng vệ chính đáng vì họ sợ tiếp tục bị tấn công.

Gia đình ba người nhà Vương Huệ đoàn tụ sau khi được hủy cáo trạng vào năm 2019. Ảnh: JCRB.

Gia đình ba người nhà Vương Hiểu đoàn tụ sau khi được hủy cáo trạng vào năm 2019. Ảnh: JCRB.

Tuy vậy, không phải ai cũng được may mắn như Vu Hải Minh hoặc gia đình Vương Hiểu. Theo SCMP, trong 100 vụ án tương tự trên China Judgments Online, website đăng tải các bản án Trung Quốc, chỉ bốn vụ được kết luận là phòng vệ chính đáng, 20 vụ bị nhận định là vượt quá giới hạn tự vệ. Số còn lại không được coi là tự vệ.

Điển hình cho dạng này là vụ án Vu Hoan đâm bốn người hạ nhục mẹ tại huyện Quán, tỉnh Sơn Đông vào năm 2016. Từ hai năm trước, mẹ Hoan vay 1,35 triệu nhân dân tệ từ một giám đốc công ty bất động sản, lãi suất 10% mỗi tháng. Người mẹ sau đó đã trả 1,84 triệu nhân dân tệ và thế chấp căn nhà trị giá 700.000 nhân dân tệ nhưng vẫn không đủ.

Tối 14/4/2016, khoảng 10 người tới đòi nợ, trong đó có Đỗ Chí Hạo. Hạo cùng những người khác vây kín hai mẹ con Hoan và có nhiều hành động hạ nhục người mẹ như vẩy tàn thuốc vào ngực, gợi ý bán dâm để trả nợ... Hoan định kháng cự thì bị đánh và ghì chặt xuống sàn.

Nhận tin báo, cảnh sát tới và nói "được phép đòi nợ nhưng không được dùng vũ lực" rồi rời đi sau bốn phút. Thấy cảnh sát rời đi, Hoan định xông ra ngoài thì bị đám người đòi nợ chặn lại. Trong lúc hỗn loạn, Hoan với được con dao gọt hoa quả trên bàn đâm loạn xạ khiến bốn người đòi nợ bị thương, trong đó Hạo tử vong tại bệnh viện. Tháng 12/2016, Hoan bị tòa án trung cấp thành phố Liêu Thành tuyên phạt án chung thân về tội Cố ý gây thương tích.

Vụ án của Hoan cũng khiến dư luận phản ứng dữ dội. Nhiều người cho rằng bản án quá nặng vì Hoan khi ấy chỉ muốn bảo vệ phẩm giá của mẹ. Một số bài bình luận như của tờ People’s Daily Beijing News cũng lên án phán quyết của tòa là "thiếu sự cảm thông và công lý". Đồng thời, một số người tỏ ra thất vọng trước phản ứng ban đầu của cảnh sát.

Kháng cáo, luật sư bào chữa lập luận hành động của Hoan là phòng vệ chính đáng vì muốn bảo vệ mẹ và bản thân khi thấy tuyệt vọng do cảnh sát rời đi.

Cuối cùng, tháng 6/2017, tòa án cấp cao tỉnh Sơn Đông hủy án chung thân và tuyên phạt Hoan 5 năm tù. Tòa nhận định hành động của Hoan có yếu tố phòng vệ nhưng đã vượt quá giới hạn cho phép.

Để phần nào làm rõ hơn chế định phòng vệ chính đáng, nhà chức trách cũng đã có động thái nhất định. Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc lần đầu ban hành hướng dẫn pháp lý về phòng vệ chính đáng do Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, và Bộ Công an cùng phối hợp ban hành. Dù không cung cấp câu trả lời chính xác cho lực lượng chấp pháp trong từng trường hợp cụ thể, bản hướng dẫn cũng đã giúp làm rõ những khái niệm cơ bản liên quan.

Quốc Đạt (Theo China Daily, SCMP, Global Times)

Xem thêm: lmth.5773914-couq-gnurt-o-gnad-hnihc-ev-gnohp-ev-iac-hnart-yag-na-uv-ab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ba vụ án gây tranh cãi về phòng vệ chính đáng ở Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools