'Hãng bay tư nhân cũng cần được hỗ trợ'
Phạm Hoàng
(TBKTSG Online) - TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên về kỳ vọng sau Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân sẽ sớm được hỗ trợ.
Trong thời gian vừa qua, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không nội địa đã chịu nhiều tác động tiêu cực do Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Ông bình luận gì về việc Quốc hội thông qua các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines?
TS Bùi Doãn Nề: Ở một góc độ nào đó, Vietnam Airlines là "anh cả" của ngành hàng không. Trong đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines (VNA) lâm vào nguy cấp. Vì vậy khi VNA được giải cứu, chúng tôi vui mừng và cảm ơn Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, duyệt gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với việc được vay vốn ưu đãi tái cấp vốn và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, VNA sẽ giảm áp lực trả nợ và có thêm nguồn tiền duy trì hoạt động.
Nhưng dư luận cho rằng chỉ cứu Vietnam Airlines mà không cứu các hãng khác là phân biệt đối xử, quan điểm của ông về vấn đề này?
Vấn đề nằm ở chỗ Nhà nước nắm giữ 86% vốn điều lệ của VNA. Nếu thấy doanh nghiệp sắp chết mà không cứu thì Nhà nước mất vốn. Hồi đầu năm, vốn chủ sở hữu của VNA là 18.600 tỉ đồng nhưng tới tháng 10 chỉ còn 6.600 tỉ đồng. Với đà thua lỗ liên tục như thế này thì chính lãnh đạo doanh nghiệp đã thừa nhận hết năm nay có khả năng âm vốn.
Ngoài ra, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vẫn bị dư luận nghi ngại có khả năng làm mất vốn
TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam. Ảnh: TL |
Nhà nước vì diễn biến của dịch khó lường và lãnh đạo VNA thừa nhận là sang năm vẫn có thể bị lỗ với mức tương đương năm nay là trên 14.000 tỉ đồng.
Theo thông tin tôi nắm được từ phản ánh của báo chí thì vấn đề chủ yếu nằm ở khoản tiền 4.000 tỉ đồng VNA được vay ưu đãi với lãi suất bằng mức cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Hồi tháng 8-2020, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay dài hạn 25.00 - 27.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi. Các hãng cũng đều có văn bản đề nghị Chính phủ cho vay gói ưu đãi lãi suất nhưng đến nay mới chỉ có VNA được duyệt vay. Vì thế, báo chí dư luận cho rằng phân biệt đối xử "con đẻ với con nuôi" cũng là điều dễ hiểu.
Tôi cho rằng các hãng bay khác cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tính toán của chúng tôi có sự tương đồng với báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) về số thiệt hại trong năm nay của ngành hàng không Việt Nam là 4 tỉ đô la Mỹ. Thị trường bay quốc tế vốn mang về 50% doanh thu và phần lớn lợi nhuận của VNA và Vietjet Air thì nay đã bị đóng cửa hoàn toàn. Nhu cầu bay nội địa giảm do ở trong giai đoạn thấp điểm, chi phí phòng dịch bệnh lại cao nên các hãng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc bị cạn kiệt dòng tiền khiến các hãng phải liên tục hạ giá vé để có thêm nguồn tiền, duy trì hoạt động và bảo đảm lương, thu nhập cho nhân viên.
Hiện nay mới chỉ VNA được thông qua khoản vay ưu đãi khoảng 4.000 tỉ đồng.
Hãng bay tư nhân cũng rất cần được hỗ trợ khoản vay này. Như thế sẽ vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử theo thông điệp được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Thủ tướng. Tôi tin là sau VNA, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ hãng bay tư nhân trong thời gian sắp tới.
Điều này có nghĩa là mỗi hãng cũng cần được vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng như VNA?
Tôi xin nhấn mạnh là các hãng cần được đối xử bình đẳng, cùng được vay vốn dài hạn với lãi suất thấp. Còn mức cụ thể như thế nào thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố, bao gồm khả năng cân đối vốn của Chính phủ và quy mô, thị phần, vai trò đóng góp của từng hãng với nền kinh tế. Chúng ta cũng cần tính đến một yếu tố rất quan trọng là khả năng phục hồi, khả năng trả nợ các khoản vay, khoản hỗ trợ và đóng góp trở lại cho ngân sách, cho cộng đồng của từng hãng. Vì đây là gói hỗ trợ chứ không phải là cứu trợ. Hỗ trợ để phát triển, thậm chí là để bật lò xo như Thủ tướng đã nói.
Chính vì vậy, trong văn bản của Hiệp hội, chúng tôi đã tính toán và đề xuất gói tín dụng ưu đãi 25.000-27.000 tỉ đồng cho các hãng hàng không. Khoản tiền 4.000 tỉ đồng đối với một hãng hàng không, đặc biệt là hãng có thị phần lớn rõ ràng còn quá thấp so với nhu cầu, điều kiện cần của hãng.
Trên thực tế, trước đó Quốc hội, Chính phủ cũng đã có các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường, phí dịch vụ mặt đất cho các hãng hàng không, ông đánh giá ra sao về điều này?
Thực tế là nếu Chính phủ hỗ trợ gói 25.000 tỉ đồng thì tổng số vốn hỗ trợ cho ngành hàng không cũng chỉ bằng khoảng 25% tổng thiệt hại của ngành trong năm nay. Nếu Chính phủ hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi này thì cũng chỉ gần bằng mức hỗ trợ bình quân của các chính phủ trên thế giới cho ngành hàng không.
Đại dịch còn phức tạp và kéo dài, thiệt hại là rất lớn. Những khoản hỗ trợ về thuế, phí tuy là rất đáng trân quý nhưng thực sự là không đáng kể, nhất là khi ngành hàng không đã mất toàn bộ thị trường bay quốc tế. Hàng không là động lực của nền kinh tế, là huyết mạch của hội nhập với kinh tế thế giới nên cần được hỗ trợ để phục hồi. Sắp tới Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn về thuế và phí, vốn vay ưu đãi… trong năm 2021 cho các hãng hàng không.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: lmth.ort-oh-coud-nac-gnuc-nahn-ut-yab-gnah/158013/nv.semitnogiaseht.www