vĐồng tin tức tài chính 365

Yêu nghề dạy học - Kỳ 4: 'Cha, mẹ' của trò khuyết tật

2020-11-20 09:48
Yêu nghề dạy học - Kỳ 4: Cha, mẹ của trò khuyết tật - Ảnh 1.

Thầy Dương Tử Long dùng ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ ký hiệu trong lớp dạy vẽ cho học sinh khiếm thính Trường THCS Xã Đàn - Ảnh: VĨNH HÀ

Đó là ước mơ giản dị của người thầy có 20 năm gắn bó với trẻ khiếm thính ở Trường THCS Xã Đàn, Hà Nội.

"Ở đây mới là cuộc sống của tôi"

Dự một tiết dạy học vẽ của thầy Dương Tử Long (Trường THCS Xã Đàn) thấy người thầy không chỉ dạy vẽ, mà còn giống người trông trẻ, người cha, người ông với lúc hiền lành, lúc giận, lúc nghiêm.

Thầy Long nói chuyện chủ yếu bằng ngôn ngữ ký hiệu với trẻ. Không chỉ tay nói, mà miệng, mắt nói. Ngôn ngữ hình thể của người thầy trong một lớp dạy học sinh khiếm thính luôn được sử dụng tối đa, thái độ của người thầy cũng luôn được thể hiện ra ngoài để trẻ cảm nhận được.

Trong lớp, thỉnh thoảng một trẻ tăng động chạy vèo từ bàn này sang bàn kia, một trẻ khác đánh bạn khóc inh ỏi. Thầy lúc này phải đóng vai "người mẹ" dỗ dành. Có hôm một trẻ đau bụng, tiêu chảy. Mẹ cháu bé chưa kịp đến, thế là thầy tự tay rửa ráy, đôn đáo chạy đi mượn quần áo học sinh lớp khác. Thầy giải quyết xong xuôi thì cha mẹ bé mới đến.

"Người thầy dạy trẻ khuyết tật phải thế nào?". Thầy Dương Tử Long mỉm cười hiền lành bảo "như một người phụ nữ", có nghĩa "người phụ nữ" ấy làm tất cả vì đứa trẻ thiệt thòi như cách người mẹ vẫn làm.

Thế nhưng khác với hình dung thông thường, thầy Long không giải thích việc mình ban đầu gắn bó với trẻ khuyết tật vì những trắc ẩn khiến ông muốn chìa tay giúp đỡ. Ông kể lý do ban đầu chọn dạy học cho trẻ khuyết tật vì... tò mò.

"Tôi chỉ thấy có gì đó rất lạ ở nơi này. Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt đã thu hút tôi. Tôi muốn biết những cảm xúc, mong muốn ẩn giấu bên trong chúng. Tôi muốn biết những đứa trẻ này sẽ giao tiếp thế nào với thế giới bên ngoài khi có quá nhiều trở ngại, rồi sự giúp đỡ của mình sẽ tác động đến bọn trẻ ra sao.

Có những đêm tôi nằm nghĩ không biết ngày mai đứa trẻ tôi dạy có thay đổi gì không. Tôi hồi hộp, trông đợi điều đó. Dần dần, nó làm tôi thấy nhớ, làm tôi muốn đến trường mỗi buổi sáng thức dậy" - thầy Long kể.

Không xem việc dạy những đứa trẻ là nơi mình "làm từ thiện" mà là nơi ông khám phá, tìm thấy những cảm xúc trong trẻo. Và rồi chính những đứa trẻ ấy đã mang đến cho ông ý nghĩa cuộc sống như cách ông diễn tả "chồng lớp những cảm xúc, khiến tôi không phân biệt, ghi nhớ được những điều cụ thể. Tôi cũng không yêu học sinh nào hơn học sinh nào. Bởi những cảm xúc với bọn trẻ là ngang bằng nhau và luôn đầy tràn như thế".

Thầy Long là một trong những giáo viên kỳ cựu ở Trường THCS Xã Đàn. Ông có những lứa học sinh ra trường, học tiếp đại học, cao đẳng, có nghề nghiệp ổn định. Ông cũng có những lứa học sinh mới vào trường, gọi thầy bằng ông như ông ngoại, ông nội chúng ở nhà. Không chỉ dạy trẻ khiếm thính, ông nhận dạy trẻ khiếm thị, trẻ khuyết tật khác.

Thầy Long kể: "Trẻ khuyết tật đều thiếu trải nghiệm cuộc sống. Nên việc của thầy là dạy cho trẻ tư liệu về cuộc sống. Vốn sống đó được lưu giữ, trở thành ký ức trong đầu bọn trẻ, khi cần đến nó sẽ bật ra. Muốn thế, trước hết tôi phải xây dựng bộ công cụ, để trẻ làm quen với những khái niệm mang tính quy ước. Rồi mở rộng dần bằng rất nhiều hình ảnh, tiếp xúc thực tế, kết hợp với ngôn ngữ thân thể để trẻ cảm nhận được.

Với trẻ khiếm thị thì tôi lại làm khác, tôi tác động đến trẻ bằng âm thanh. Bản thân tôi phải sắm vai để kể lại, tả lại, làm như thật để trẻ tưởng tượng được. Có một học sinh khiếm thị từng làm tôi rất ấn tượng khi vẽ con trâu tắm dưới đầm vô cùng sinh động, trong khi em đó chưa từng bao giờ nhìn được thấy con trâu ngoài đời".

Không phải trẻ nào cũng có năng khiếu, đam mê. Với một số trẻ thì thầy chỉ cố dạy sao để chúng biết giãi bày tình cảm, suy nghĩ bằng hình vẽ, màu sắc thôi là tốt lắm rồi.

Nhiều trẻ khuyết tật được gửi tới trường trong sự chán nản của cha mẹ và suy nghĩ "con mình coi như bỏ đi rồi". Thế nên nhìn thấy một chút ít thay đổi, tiến bộ của chúng, thầy và phụ huynh đều vui lắm!

"Bạn cứ hình dung bước chân vào trường, những đứa trẻ chạy ào ra ôm chầm lấy mình, bạn sẽ có cảm giác ấm áp đây là nơi dành cho mình" - thầy Long nói với ánh mắt của một người hài lòng và hạnh phúc với nghề.

Yêu nghề dạy học - Kỳ 4: Cha, mẹ của trò khuyết tật - Ảnh 2.

Cô giáo Trịnh Thị Liên hướng dẫn học sinh làm bài tập - Ảnh: VĨNH HÀ

Người giữ chìa khóa tâm hồn

Trong khi đó, cô Trịnh Thị Liên có 17 năm dạy học ở Trường THCS Xã Đàn và nhiều lần cô đã định dứt áo ra đi.

"Bạn bè tôi khuyên, gia đình tôi đến giờ vẫn không hiểu sao tôi cứ ở lỳ ngôi trường này. Vì trong suy nghĩ của họ, trường dạy học sinh khuyết tật thì thường ít được chú ý, nơi đó phụ huynh cũng không quan tâm đến trường, đến thầy cô như nơi khác. Thu nhập thấp, công việc lại vất vả gấp nhiều lần.

Tôi đã từng viết đơn xin đi, rồi lại không đi. Thậm chí có lần tôi đã thi tuyển được vào một trường công lập khác, mọi thứ gần như định đoạt xong, nhưng rồi tôi ở lại. Cứ như số phận đã gắn chặt tôi với nơi này"- cô Liên kể, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt.

"Trẻ khiếm thính rất khó mở lòng. Với một học sinh mới, có khi phải cần đến một năm để tìm cách cho trẻ tin cậy, thân thiện. Nó giống như việc tìm cho được chìa khóa thì mới mở được cánh cửa vào thế giới của trẻ. 

Chính điều đó luôn làm tôi băn khoăn, lo lắng, nếu như tôi chuyển đi. Người thay tôi sẽ lại phải cần một khoảng thời gian dài và trẻ đang xem tôi là nơi nương tựa tinh thần sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Cứ nghĩ thế, tôi đã ở lại tới bây giờ" - cô Liên nhớ lại.

Với một người nặng lòng như cô Trịnh Thị Liên thì có rất nhiều thứ níu kéo. Cô Liên kể: "Vào lần tôi định chuyển trường, bố của T.L., một học sinh lớp 3, tìm tôi. Anh ấy nói cháu không hợp tác với bố mẹ, tỏ ra ương bướng, đôi lúc có hiện tượng nổi loạn. Mẹ cháu bé thì bận nên ít thời gian bên con, bố thì lúng túng không biết phải làm gì.

Vì lời nhờ cậy đó mà tôi lại bỏ ý định rời đi. Sau này khi đã trở nên thân thiện với cô bé đó như hai người bạn, tôi mới biết cháu thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc của mẹ. Chính vì thế nên khi đã mở lòng với tôi, cháu gắn bó, xem tôi là nơi bù đắp những gì cháu thiếu".

Một học sinh khác là L.Đ., cũng bước vào trường trong tình trạng đóng hết mọi giao tiếp với mọi người. Cô Liên phải mất nhiều tháng kiên nhẫn gần gũi, kìm nén những chán nản để chờ đợi cô bé mở lòng.

T.L. hiện đã tốt nghiệp đại học ngành kinh tế, lập gia đình. Những sự kiện quan trọng trong cuộc đời cô gái ấy đều được thông báo cho cô giáo cũ của mình. Còn L.Đ. đỗ vào trường ĐH mỹ thuật.

"Thỉnh thoảng, con vẽ tranh, có đợt còn làm cả cuốn truyện tranh tặng tôi. Đó là những món quà có ý nghĩa khiến cho tôi thấy tôi đã không sai khi lựa chọn" - cô Liên nói.

Có thành công nhưng cũng có thất bại trong một môi trường toàn trẻ bị thiệt thòi. Có những học sinh khiếm thính đồng thời có cả những rối loạn về tâm lý. Theo cô Liên thì người thầy cũng như cha mẹ lũ trẻ phải học cách chấp nhận, học cách lắng nghe từng tiến bộ rất nhỏ, rất chậm. Bởi họ không thể kỳ vọng, không thể nôn nóng, ép buộc, đó là cách để trẻ thấy an toàn, yên tâm, tin tưởng.

Kiên nhẫn và yêu thương!

"Khi tôi nhận lớp mới, tôi dán ở cửa bức tranh con kiến nâng cành củi". Khi tôi giải thích, có học sinh nói con kiến bé thế, sao nâng được cành củi to. Tôi bảo các con muốn biết làm được không thì phải thử làm.

Tôi thử và tôi cũng cho các con trải nghiệm với những điều tưởng như không làm được ấy. Rồi khi lớn dần, chúng sẽ hiểu là không có gì là không thể nếu kiên nhẫn, có niềm tin và có yêu thương" - cô Liên tâm sự.

Câu nói "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" không đúng với nhiều bạn trẻ chọn sư phạm là nguyện vọng đầu tiên và duy nhất trong khi có nhiều cơ hội vào các trường danh tiếng khác.

Kỳ tới: Học sư phạm, không lăn tăn

Yêu nghề dạy học - Kỳ 3: Dạy học ở miền bão lũYêu nghề dạy học - Kỳ 3: Dạy học ở miền bão lũ

TTO - Nhiều năm họ phải chịu bão lũ, nhiều đợt trường bị cô lập bởi lở núi, sạt đường, nhưng họ vẫn bám trường, vẫn không rời xa học trò thân yêu của mình...

Xem thêm: mth.90254221291110202-tat-teyuhk-ort-auc-em-ahc-4-yk-coh-yad-ehgn-uey/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Yêu nghề dạy học - Kỳ 4: 'Cha, mẹ' của trò khuyết tật”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools