vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp chỉ mong tồn tại, chưa nghĩ đến 'cá hoá rồng'

2020-11-20 11:06

Doanh nghiệp chỉ mong tồn tại, chưa nghĩ đến 'cá hoá rồng'

Lê Hoàng

P(TBKTSG Online) - Trong khi các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, nhà tư vấn và nhà đầu tư nói về vận hội và cơ hội để doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới thì trái lại một số doanh nghiệp lại lo ngại về khả năng tồn tại giữa vô vàn khó khăn hiện nay.

Một góc quang cảnh tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hoàng

Những thông tin này được ghi nhận tại phiên tranh luận toàn thể với chủ đề: Chuỗi giá trị toàn cầu mới vận hội của thập kỷ 2020 trong khuôn khổ Diễn đàn Vietnam CEO Forum 2020 với chủ đề "Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới - Cá có hóa rồng?" diễn ra vào chiều 19-11 tại TPHCM. Tại diễn đàn, những vấn đề nóng đã được thảo luận cởi mở và khá gay gắt giữa các chuyên gia và giới doanh nhân.

Vận hội mới và cơ hội cho doanh nghiệp!

Tại sự kiện các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát dịch và mở cửa lại nền kinh tế, đất nước đang dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi.

Câu hỏi quan trọng dành cho doanh nghiệp lúc này làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Trong một dòng chảy kinh tế mới liệu rằng các doanh nghiệp có thể vững tin "chèo" và "lái" doanh nghiệp mình để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu? Liệu doanh nghiệp Việt có thể xem đây là cơ hội hay là vận hội mới?

Tại diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng cơ hội lúc nào cũng có và là cách để doanh nghiệp thử sức. Còn với vận hội là thời khắc để doanh nghiệp thay đổi, dám tư duy lại có tính đột phá hơn.

Chuyên gia Thành cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung và thêm dịch Covid-19 trong năm nay đã đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị bổ sung thêm nhiều tính chất mới so với trước. Cụ thể về địa chính trị, ngoài yếu tố chi phí, kết nối thì hiện nay chuỗi cung ứng còn hướng đến đối tác là ai, quyền của đối tác là gì. Kế đó là mặt hàng chiến lược trong chuỗi cung ứng, lợi ích quốc gia.

Ông Thành cho rằng đây là yếu tố khiến chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đất nước có đầy đủ yếu tố, lợi thế về giá trị, tính cạnh tranh, tính năng động và các hiệp định thương mại FTA đươc ký kết.  "Điều này tạo ra một lợi thế cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt đang đứng trước vận hội lớn", ông Thành nhận định.

Còn ông Don Lâm, nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng thời gian qua nhiều thông tin về sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc mà trong đó Việt Nam có nhiều cơ hội đón sự dịch chuyển này. Khoảng 20% số nhà sản xuất có mặt tại Trung Quốc muốn rời khỏi nước này do Covid-19 và chiến tranh thương mại, nhưng "không phải ai cũng tới Việt Nam". Kết quả nhiều cuộc khảo sát trong thời gian gần đây cũng cho thấy, nếu các nhà máy sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc thì sẽ chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Mexico và Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Don Lâm, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng bị cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực về chính sách thu hút đầu tư, thị trường, giá đất công nghiệp, nguồn lao động... mà trong đó Indonesia có lợi thế không nhỏ.

Dù vậy các chuyên gia dự báo thời gian tới, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp cần có năng lực và thực lực thực tế để nắm bắt được cơ hội. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để hội nhập.

Theo ông Don Lâm, những công ty đa quốc gia thường có những yêu cầu theo chuẩn quốc tế khi đầu tư và hợp tác kinh doanh. Và đây có thể sẽ là yêu cầu khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhưng nếu không vượt qua thách thức này thì doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Các doanh nghiệp nên tập trung phát triển ngành cốt lõi chuyên môn của mình, tập trung đầu tư phát triển nó một cách chuyên sâu, không chuyển sang những ngành nghề, lĩnh vực khác sẽ dẫn đến bị phân bổ nguồn lực", ông Don Lâm khuyên.

Ý của ông Don Lâm là doanh nghiệp sản xuất nên tập trung vào năng lực cốt lõi, ngành nghề, lĩnh vực của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh và khi đã có thực lực mạnh thì mới nắm bắt được cơ hội kinh doanh trong vận hội mới như hiện nay. "Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp chỉ cần làm thật tốt một linh kiện, một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm đã là thành công", ông Don Lâm nói.

Các chuyên gia cho rằng sự căng thẳng thương mại  Mỹ - Trung và dịch Covid-19 khiến Việt Nam là điểm sáng trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ cần biết chọn doanh nghiệp để đi cùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đón được làn sóng dịch chuyển đó và hưởng lợi.

Doanh nghiệp lo về khả năng tồn tại hơn

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần cải thiện và nỗ lực hơn nữa. Ảnh: Lê Hoàng

Mặc dù được cho là đất nước có nhiều lợi thế trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp theo đó  có nhiều cơ hội để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng mới, nhưng không ít doanh nghiệp thì tỏ vẻ lo lắng hơn về khả năng tồn tại của doanh nghiệp mình trong tình hình khó khăn hiện nay hơn là hội nhập.

Tại diễn đàn, dù chưa đến phần hỏi đáp của người tham dự, nhưng ông Nguyễn Hồng Sơn, đại diện một doanh nghiệp đến từ Đà Nẵng đã chen ngang vào xin có ý kiến với các chuyên gia, diễn giả rằng cần đưa ra dự báo nền kinh tế trong nước sắp tới, khả năng sức chịu đựng của doanh nghiệp giữa vô vàng khó khăn hiện nay...

"Các diễn giả nói nhiều cơ hội và vận hội quá, trong khi doanh nghiệp chúng tôi lại đang rất khó khăn và chỉ mong có thể còn được tồn tại là may rồi", ông Sơn chia sẻ, và lưu ý số liệu thống kê của cơ quan quản lý cho thấy đã có hơn 70.000 doanh nghiệp tuyến bố phá sản (rút lui khỏi thị trường, tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể - PV) trong 9 tháng qua, ảnh hưởng đến khoảng 31 triệu người lao động .

Và con số doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh này theo dự báo có thể lên đến con số 100.000 khi kết thúc năm nay.

Theo doanh nhân này, hai trận dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp mệt mỏi và điêu đứng phải rời thị trường và bây giờ khu vực miền trung tiếp tục bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ là vô cùng khó khăn. "Tôi sợ đối diện một trận bão suy thoái kinh tế hơn, thậm chí dẫn đến tình trạng "domino" doanh nghiệp rời thị trường vì khó khăn. Vậy giải pháp nào phát triển kinh tế...?", ông Sơn đặt vấn đề.

Ý kiến của doanh nhân này kết thúc thì liền có hàng loạt tiếng vỗ tay lớn hưởng ứng của các doanh nhân khác trong khán phòng với khoảng 1.000 CEO khắp cả nước tham dự.

Thực ra nỗi lòng này của ông Sơn không phải là ý kiến cá biệt khi mà trước đó khoảng 2 tuần ở một cuộc họp báo công bố về tổ chức sự kiện này với chủ đề trên, một doanh nghiệp ở TPHCM cũng nêu ý kiến với Ban tổ chức rằng chủ đề thể hiện sự khát vọng, vươn tầm với những doanh nghiệp quy mô lớn, nhóm đối tượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước hiện nay.

Theo nữ đại diện doanh nghiệp này, hiện nay nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tỷ trọng doanh nghiệp cả nước là chỉ mong sao thông qua các diễn đàn có thể nghe được những sự chia sẻ và học hỏi về cách thức xoay xưở về khả năng ứng biến để có thể tồn tại giữa dịch bệnh thay vì tham vọng "Cá có thể hóa thành Rồng" còn quá xa vời.

Sản xuất của một doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa: TL.

Tại diễn đàn, một doanh nghiệp khác cũng đồng tình với ý kiến doanh nghiệp đến từ Đà Nẵng nói trên. Ông cho rằng bản thân doanh nghiệp cần phải tồn tại được trong tình hình khó khăn này trước khi nghĩ việc vượt ra biển lớn để cạnh tranh.

Các doanh nghiệp cho rằng việc xoay xưở tồn tại hay xem đây là vận hội thì cần xem xét đến nhiều yếu tố trong đó khá quan trọng là khả năng tiếp cận của doanh nghiệp về những chính sách hỗ trợ của nhà nước; khả năng cải tiến về sự khác biệt khoa học công nghệ; và đồng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp,...

Liên quan đến việc doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ nhà nước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ông Võ Trí Thành cũng thừa nhận là kết quả khảo sát cho thấy chưa được nhiều doanh nghiệp tiếp cận và hiệu quả chưa cao.

Còn đánh giá về vai trò của nhà nước trong thúc đẩy vận hội mới và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, một số chuyên gia cho rằng, điều chỉnh và ban hành cơ chế chính sách phù hợp rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là có giải pháp thực thi nhanh chóng và hiệu quả.

Trong đó, Bộ ngành, chính quyền địa phương cần làm sao thúc đẩy những gói hỗ trợ của Chính phủ vào doanh nghiệp để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó, đào tạo nguồn nhân lực...

Mặt khác, Chính phủ, Bộ ngành và chính quyền địa phương không chỉ có vai trò định hướng, mà phải đồng hành cùng doanh nghiệp, bên cạnh sự chủ động liên kết và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, cho rằng nguy cơ lớn nhất trong khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng, mà là tư duy ứng phó với khủng hoảng theo lối mòn.

Để vượt qua khủng hoảng, người chủ doanh nghiệp phải là nhà lãnh đạo kiên tâm, quản trị công ty minh bạch và hiệu quả, có chiến lược hướng đến phát triển bền vững. Và khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi và mang tính chiến lược dài hơi.

Về bài toán trước mắt là vượt qua khủng hoảng do Covid-19, các chuyên gia cho rằng đây là một đợt kiểm tra sức chịu đựng của doanh nghiệp trước vận hội mới. Chỉ những doanh nghiệp nào dám xây dựng lại, chuyển đổi số thì mới có thể vượt bão.

Ông Võ Trí Thành cũng đồng tình, trước khi kết nối với các tập đoàn toàn cầu thì các doanh nghiệp Việt cần phải bắt tay, kết nối nhau, hỗ trợ nhau vượt bão Covid-19. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng doanh nhân Việt Nam có thể không nhanh nhất, giỏi nhất nhưng phải có khát vọng. Đây cũng chính là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vượt qua những giai đoạn khủng hoảng trước đây.

Theo các diễn giả, đại dịch Covid-19 không chỉ kiểm tra sức bền của doanh nghiệp mà còn là động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn thử thách nội lực, cũng như có dám vượt lên chính mình.

Sự kiện Vietnam CEO Forum 2020 với chủ đề: "Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới - Cá có hóa Rồng?" đã thu hút 1.000 CEO trong cả nước cùng các nhà hoach định chính sách, hiệp hội và lãnh đạo địa phương trên toàn quốc tham gia.

Sự kiện do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) phối hợp với CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân 2030, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Đây là chương trình thường niên lớn nhất dành cho giới CEO Việt với mong muốn hội tụ, gắn kết những nhà hoạch định chính sách - Chuyên gia - CEOs và giới truyền thông để cùng nhau lắng nghe, chia sẻ, thảo thuận và phản biện các quan điểm, tầm nhìn. Qua đó, mỗi người có thể tự đúc kết ra cho mình những tư duy mới, những tầm nhìn mới và giải pháp mới cho các vấn đề mang tính chiến lược và sống còn của doanh nghiệp Việt.

Trong khuôn khổ sự kiện, YBA và Ban tổ chức Vietnam CEO Forum đã đưa ra sáng kiến chiến lược nhằm tăng cường tính liên kết hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp các địa phương với nhau. Việc liên kết này được YBA cho biết nhằm tạo ra sự cộng hưởng, hợp lực trong toàn chuỗi giá trị trong nước và kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Xem thêm: lmth.gnor-aoh-ac-ned-ihgn-auhc-iat-not-gnom-ihc-peihgn-hnaod/178013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp chỉ mong tồn tại, chưa nghĩ đến 'cá hoá rồng'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools