Dây chuyền máy áo ghế ô tô xuất khẩu - Ảnh: T.C.
Nhiều hãng tin khu vực và thế giới dẫn số liệu của một loạt tổ chức và cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế đã đưa ra những đánh giá và dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại nhiều nước vẫn diễn ra phức tạp.
Ngày 19-11, trang mạng Globaldata.com (Anh) khẳng định Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát được dịch bệnh ở mức độ nhất định, với số ca mắc COVID-19 và tỉ lệ tử vong thấp. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% vào năm 2021.
Đài BBC (Anh) đánh giá Việt Nam đã giảm thiểu thiệt hại kinh tế do COVID-19 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng trong năm 2020. Theo đài này, dù so với nhiều quốc gia giàu có hơn, Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng y tế, nhưng Việt Nam được hầu hết các nước ca ngợi về các biện pháp y tế công cộng, nhanh chóng kiểm soát được số ca lây nhiễm COVID-19.
Việt Nam đã sớm sản xuất các kit xét nghiệm nhanh COVID-19, kết hợp với chiến lược truy vết và kiểm soát nguồn lây để hạn chế số ca nhiễm bệnh. Năm 2020, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm và lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Dẫu vậy, Việt Nam đã tránh được những ảnh hưởng kinh tế tồi tệ nhất do đại dịch.
Trang BBC cũng dẫn lời ông Michael Kokalari - nhà kinh tế trưởng của VinaCapital, chỉ ra một số yếu tố giúp Việt Nam giảm nhẹ tác động của COVID-19. Một trong những yếu tố bất ngờ nhất là sự gia tăng mạnh mẽ số người làm việc tại nhà trên toàn cầu.
Theo đó, mọi người tự trang bị máy tính xách tay và nội thất văn phòng để có thể dành nhiều thời gian làm việc tại nhà hơn, và rất nhiều sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam. Trong 3 quý đầu tiên của năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đồ điện tử tăng 26%.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay nhờ "quyết tâm ngăn chặn suy thoái kinh tế và tác động của đại dịch tới sức khỏe cộng đồng" và sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến lên tới 6,5% "khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước dần trở lại bình thường".
Trong khi đó, trang malaymail.com (Malaysia) dẫn lời ông Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng tham gia soạn thảo Báo cáo Triển vọng của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC) năm 2021 của Moody’s Analytics, cho biết tính đến tháng 9-2020, Việt Nam và một số nền kinh tế trong APAC như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và New Zealand đều có báo cáo xuất khẩu cao hơn mức một năm trước.
Cùng với Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam được dự báo sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất APAC trong năm 2021.
Trang proactiveinvestors.co.uk (Anh) dẫn nhận định của Quỹ Vietnam Holding (quỹ đóng theo trường phái đầu tư giá trị và dài hạn) tại Việt Nam, dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại tốc độ hơn 6% vào năm 2021 do có "nhiều động lực tăng trưởng".
Proactiveinvestors.co.uk nhận định khả năng phục hồi giữa đại dịch đã "giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn" và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác được "tiếp thêm động lực".
Vị thế của Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại cũng có khả năng được củng cố nhờ việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Nói như Giám đốc Quỹ Vietnam Holding Craig Martin, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, việc ký kết các thỏa thuận thương mại, trong đó có RCEP, có thể giúp tô đậm hơn nữa câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.
TTO - UOB dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của VN chỉ ở mức 2,8% nhưng sẽ tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021.