Những khoảnh khắc giữ thăng bằng cho cuộc sống - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cuộc sống luôn có những lúc vui, những lúc buồn. Mình hiểu quy luật của cuộc sống sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Lúc buồn nhất đôi khi chỉ là để giúp mình cảm nhận những niềm vui, hạnh phúc sau này đến một cách trọn vẹn hơn. Nếu hiểu được như vậy sẽ đón nhận nỗi buồn một cách dễ dàng với niềm hi vọng sau nỗi buồn là những niềm vui đang chờ đến!
Chị V.T.L.B.
Ác mộng
Nhiều người cho rằng đàn ông khi buồn thường có nhiều cách để "giải tỏa nỗi buồn" như tụ tập, rủ nhau đi nhậu. Còn phụ nữ khi buồn không biết làm gì, đặc biệt với những người phụ nữ vốn đã gắn thêm nhiều trách nhiệm với gia đình, với con cái.
Chị T.N. (32 tuổi) kể rằng khi chồng chị đột ngột ra đi, chị đã sống một thời gian dài trong cơn ác mộng. Nỗi mất mát này đau thấu đến tận tâm can. Chị đã từng trùm chăn khóc trong rất nhiều ngày, đã từng nhiều lần đứng dưới mưa gào lên những đau khổ trong lòng với hi vọng mưa giúp chị cuốn đi những khổ đau tột cùng này.
Rồi một ngày chị nhận ra hai con chị cũng buồn, chị sẽ mất tất cả nếu vẫn thế... Chị chợt hiểu ra chị phải cứng rắn, nghị lực hơn để làm chỗ dựa cho con.
Chị N. tự cứu mình bằng cách khi cảm thấy cô đơn nhất, buồn nhất, chị chủ động gọi điện cho những người bạn thân có suy nghĩ tích cực, kể cả khi tối muộn 22h. Những người bạn này hiểu chị, muốn giúp chị nên luôn nhiệt tình chia sẻ cùng chị mọi nỗi niềm và hướng chị đến những ngày mới tươi sáng hơn.
Thời gian đúng là liều thuốc xoa dịu cho mọi nỗi đau. Dần dần chị cũng thoát ra được nỗi đau rất lớn mà lúc đầu chị tưởng không bao giờ có thể vượt qua được. Ngoài những lúc chia sẻ với bạn bè, chị bắt đầu tập thiền để vơi dần đi nỗi đau của thực tại.
Còn chị T.H. (41 tuổi) vừa chia tay chồng. Dù chia tay là điều chị chủ động đề nghị nhưng khi cầm quyết định ly hôn của tòa chị vẫn cảm thấy có một nỗi buồn rất lớn. Có nhiều lúc chị rơi vào tâm trạng suy nghĩ miên man và muốn khóc. Nước mắt cứ tự trào ra không theo ý muốn của chị.
Sau ly hôn, cuộc sống của chị có nhiều thay đổi, chị phải tự lo liệu cho cuộc sống của chị, của hai con. Cuộc sống vốn đầy lo lắng và căng thẳng, những nỗi buồn vẫn luôn kề bên. Đôi lúc chị nghĩ mình sẽ rơi vào trầm cảm nếu không thoát ra được nỗi buồn này.
Chị H. chia sẻ, sống trong cuộc đời này không ai mà không từng gặp nỗi buồn.
Có 1.001 nguyên nhân gây ra nỗi buồn. Có nỗi buồn lớn, có nỗi buồn nhỏ và cách chịu đựng của mỗi người trước nỗi buồn cũng khác nhau. Có người vượt qua được, có người khó khăn lắm mới vượt qua, có người mãi đắm chìm trong nỗi buồn.
Khi gặp một chuyện buồn, mỗi người có cách giải quyết nỗi buồn này khác nhau. Có người vượt qua được nhanh, có người sau một thời gian dài mới có thể thoát ra được.
Chị H. kể, sau khi ly hôn chị quyết định sẽ tham gia một cuộc họp lớp ở quê chị để gặp lại những bạn học cũ, để khuây khỏa, quên đi nỗi buồn mà chị vừa trải qua và quan trọng là giúp chị nhớ về những ngày trẻ chị đã sống vui vẻ, từng mơ ước cuộc sống sau này như thế nào.
Sau cuộc gặp mặt các bạn cũ, lúc nào buồn chị lại gọi điện và nhắn tin để chia sẻ với một vài người bạn thân. Lúc ít buồn hơn, chị tự tìm những niềm vui cho mình như đi tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc...
Trong cuộc sống, có những nỗi buồn đau thấu tâm can khi mất đi người thân, có những nỗi buồn thật đau khổ như khi chồng ngoại tình, có những nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày như giận chồng, giận người yêu, con học hành chưa tốt, chưa ngoan, buồn vì công việc không như ý...
Nhiều cách "thoát" buồn
Khi đặt ra câu hỏi "Lúc buồn bạn sẽ làm gì?" với nhiều phụ nữ sẽ nhận được vô vàn những câu trả lời khác nhau như đi shopping, đọc sách, đi ăn, đi cà phê cùng bạn bè, thậm chí đi tắm, đi ngủ, trang điểm, mặc thật đẹp đi chơi. Có người tìm đến phim ảnh, nghe nhạc, thiền, tập thể dục thể thao, tìm người tâm sự... Có chị chỉ cần hát hết một bài là thấy ổn.
Mỗi người có cách vượt qua nỗi buồn khác nhau nhưng chung quy lại vẫn phải bắt đầu từ suy nghĩ buồn không giải quyết được việc gì, chỉ làm cho mọi khó khăn trong cuộc sống thêm chìm đắm, phải tìm cách vượt qua. Còn cách vượt qua như thế nào là tùy thuộc vào nỗi buồn của người đó và cách họ muốn chọn để vượt qua.
Hiện có nhiều phụ nữ lớn tuổi, thành đạt, ly hôn. Sau khi con cái đã lớn, họ mua, thuê nhà để ở gần khu với nhau. Hằng ngày họ đi tập thể dục, đi uống cà phê, nói chuyện về những vấn đề họ quan tâm... Từ những con người có nỗi buồn, cô đơn giống nhau, họ đã tìm đến nhau, sẻ chia và thấy cuộc sống này thật tươi vui khi có những người đồng hành hiểu mình.
Chị B. (45 tuổi) có một gia đình hạnh phúc, công việc ổn định, hai con trai đều học rất giỏi, nhưng chị nói đã là cuộc sống thì không ai không gặp những chuyện buồn. Chị ít khi hát lắm, nhưng mỗi khi buồn chị lại rất thích hát. Khi chị tập trung mọi suy nghĩ vào bài hát để hát, để nhớ câu từ là lúc chị không còn nhớ đến nỗi buồn trước đó.
Lời bài hát mà chị thường hát trong lúc buồn là: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh…".
TTO - Trong nhịp sống hiện đại, những căn bệnh tinh thần, như lo âu hay trầm cảm, đang trở thành chướng ngại vật lớn trên con đường thành công của nhiều người.
Xem thêm: mth.70171011202110202-noub-ion-auq-coub-teyuq-ib/nv.ertiout