Việt Dũng với xưởng Vui học STEM đầu tiên gây dựng với mong muốn hỗ trợ giáo viên, học sinh tiếp cận cách dạy học khoa học mới - Ảnh: T.L.
Từ những gì mình đã trải qua và trăn trở, tôi thấy rằng điều cốt yếu cần truyền cho học sinh từ bé là đam mê, niềm tin và những kỹ năng cần thiết để trả lời được câu hỏi học để làm gì?
PHẠM VIỆT DŨNG
Trong lần trở về đó, Dũng có một câu hỏi lớn mà anh nghĩ chỉ nhúng mình trong môi trường dạy học thì mới tìm được lời giải.
Hành trình lập thân, khát vọng
Phạm Việt Dũng kể: "Vốn là đứa trẻ không thích học vì quá hiếu động, tôi thay đổi bắt đầu từ một cuộc di chuyển. Khi ấy, bất chấp phản đối của gia đình, mẹ đưa tôi lên Hà Nội. Chúng tôi phải thuê nhà. Bản thân tôi phải tự nấu cơm, giặt giũ. Đồng phục chỉ có một bộ nên đi học về phải tự giặt ngay để sáng hôm sau có đồ mặc đi học. Tôi trải qua một thời gian dài bị bắt nạt, bị tẩy chay ở trường. Còn mẹ cũng loay hoay xin cho tôi vào lớp chọn, rồi lại xin chuyển ra lớp khác vì ở lớp chọn tôi là học sinh đứng cuối.
Do học hành không tới nơi tới chốn, mẹ lại cho tôi về quê làm công nhân với mức thu nhập 20.000 đồng/ngày. Sau quãng ngày "thất học" đó, tôi trở lại và lần này thì tôi thay đổi. Tôi học khá lên, trội nhất là môn vật lý. Tuy học trường bình thường, nhưng tôi được chọn thi học sinh giỏi môn vật lý cấp thành phố và cũng được giải khuyến khích. Tôi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm 27,5, trong đó môn vật lý được 10 điểm. Tôi là một trong số ít học sinh năm đó thi đạt điểm tối đa môn này.
Khi vào học ngành kỹ sư điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi mới tìm hiểu thông tin và bị cuốn hút bởi Trường ĐH NTU (Singapore). Tôi lên các diễn đàn, tìm mua sách từ Singapore để tự ôn tập và thi đỗ vào trường, đúng với chuyên ngành tôi thích là vật lý và vật lý ứng dụng.
Con nhà nghèo như tôi thì du học với 80% chi phí do Chính phủ Singapore chi trả là một cơ hội vàng. Nhưng điều đáng kể nhất tôi tôi có được trong chuyến du học này là một câu hỏi: "Tại sao một đất nước trong cùng khu vực lại phát triển xa hơn Việt Nam nhiều thế?". Tôi trăn trở vì điều đó, rồi lại tự trả lời có lẽ vì khoa học công nghệ của họ được đầu tư, phát triển hơn. Nhìn rộng ra thế giới cũng thấy khi các quốc gia xây dựng được những chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển thì họ phát triển mạnh mẽ. Nhưng gốc của chiến lược phát triển đó là đâu? Cuối cùng tôi tự tìm cho mình một câu trả lời: Giáo dục".
Việt Dũng kể hành trình di chuyển của mình sau khi đã quay về Việt Nam được sáu năm. Những cuộc di chuyển từ trường làng đến trường thành phố, từ lớp chọn đến lớp đại trà, rồi các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước là những trải nghiệm để anh nhận ra mơ ước của mình là gì.
"Sau sáu năm, những va đập thực tế khiến tôi phải điều chỉnh mong muốn "thay đổi giáo dục" bằng một mong muốn vừa sức hơn là "đóng góp". Nhưng những điều tôi đã nghĩ khi trở về thì vẫn nhất quán: Muốn khoa học công nghệ phát triển thì từ trong các nhà trường phổ thông phải có những học sinh đam mê, có năng lực, kỹ năng tốt. Mà muốn thế cách tiếp cận dạy học phải khác" - Việt Dũng chia sẻ.
Việt Dũng trong một buổi trò chuyện với học sinh - Ảnh: T.L.
Học sư phạm, như một phép "nhúng"
Phạm Việt Dũng từng bị nhiều người phản đối khi quay về Việt Nam để... học sư phạm. Dũng ngồi học với những sinh viên kém mình vài tuổi. Lớp sư phạm toán bằng tiếng Anh chỉ có 19 sinh viên, anh cũng khó sắp xếp kế hoạch học tập để đẩy nhanh tiến độ nên phải kiên trì đi hết bốn năm học và tốt nghiệp ở vị trí á khoa.
Kể về quyết định bỏ ra bốn năm học sư phạm, Dũng cho biết ban đầu anh hăm hở "muốn làm gì đó ngay" và xin vào một trường tư chất lượng cao làm việc như một sinh viên thực tập. Đây là quãng thời gian cho Dũng hiểu hơn về giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Bên cạnh những môi trường học tập có điều kiện tốt, nhiều trường vẫn dạy học theo cách truyền thống là chỉ dạy lý thuyết. Học sinh học "chay" các môn khoa học nên ngoài mục tiêu "học để thi", nhiều học sinh không tìm thấy sự say mê, không biết hữu dụng của kiến thức khoa học trong đời sống.
"Cả thời phổ thông, tôi chỉ được vào phòng thí nghiệm khoảng năm lần. Tình trạng này giờ có vẻ vẫn chưa được thay đổi nhiều" - Việt Dũng nói. Thấy anh loay hoay với việc làm gì để tác động vào điểm bất cập này, có người khuyên anh nên đi học sư phạm cho "chính danh", vì ở Việt Nam muốn làm gì cũng phải có bằng cấp.
"Nhưng tôi vào Trường ĐH Sư phạm không phải để lấy bằng. Tôi được biết Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là "cái nôi" đào tạo giáo viên. Tôi phải vào "cái nôi" đó xem người ta đào tạo giáo viên thế nào" - Việt Dũng nói.
Trong bốn năm học, Dũng cho biết anh đã hiểu ra những điều còn thiếu để giáo viên có thể thay đổi, chủ động tổ chức hoạt động dạy các môn khoa học hiệu quả, thay vì thuyết trình đọc chép.
Ngay trong quá trình học tập tại trường sư phạm, Việt Dũng đã tìm kiếm team cho mình gồm những sinh viên có năng lực, nhiệt huyết và có cùng mong muốn lan tỏa cách dạy khoa học hiệu quả.
Điều anh rút ra được trong giai đoạn "nhúng" vào đời sống giáo dục phổ thông và "cái nôi" đào tạo sư phạm là cần phải xóa bỏ cách dạy "chay", giáo viên cần được đào tạo về dạy học thực hành. "Giáo viên không biết chế tạo được một sản phẩm từ kiến thức chuyên môn của mình thì sẽ khó có thể dạy cho học sinh" - Việt Dũng chia sẻ.
Nuôi ước mơ từ xưởng Vui học STEM trong 5m2
Với giúp đỡ của một người bạn có chung quan điểm về giáo dục, Phạm Việt Dũng đã lập được một xưởng thực hành triển khai những ý tưởng của mình theo cách tiếp cận STEM (Science, Technology, Engineering, Math - ứng dụng toán và các môn khoa học tự nhiên để giải quyết vấn đề thực tiễn). Xưởng chỉ nhỏ 5m2 do Dũng tự dẹp nhà của mình lấy chỗ làm xưởng. Rồi mỗi ngày một chút, anh gom góp gây dựng nên xưởng Vui học STEM đầu tiên của mình.
Dũng quay video thu lại quá trình chế tạo sản phẩm, tương ứng với các bài học trong chương trình phổ thông và up lên kênh YouTube "Vui học STEM" do mình lập ra.
"Tôi mong muốn trước hết là để các bạn sinh viên có một nơi rèn nghề, để quan sát, góp ý cho nhau và dần ngấm được tư tưởng dạy học thực tế chứ không chỉ lý thuyết. Đây là cách tôi muốn gián tiếp đóng góp cho giáo dục. Tiếp nữa, kênh YouTube tôi lập nên sẽ là nơi đóng góp những ý tưởng dạy và học cho các thầy cô, phụ huynh và học sinh trên cả nước. Tôi cũng mong muốn thổi được niềm đam mê học tập cho học sinh, truyền thêm lửa nghề cho các thầy cô giáo. Ngoài ra, tôi hi vọng những video tôi đưa lên cũng sẽ là kênh học các kỹ năng chế tạo, điều rất cần thiết để từng bước đổi mới giáo dục từ lý thuyết hàn lâm khô cứng sang thực hành trải nghiệm sáng tạo.
Việt Dũng có một team gồm những sinh viên, cựu sinh viên sư phạm như anh để chia sẻ ý tưởng, những tìm tòi nhằm đổi mới và lan tỏa việc đổi mới cách dạy học. Việt Dũng cho biết anh cũng tham gia tư vấn cho một số trường phổ thông tổ chức dạy học STEM, ngày hội STEM và là cố vấn khoa học cho một trường phổ thông.
"Có nhiều cách để ứng dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Xu thế giáo dục STEM cũng có thể có nhiều cách làm, tùy theo điều kiện dạy học. Nhưng tôi vẫn mơ nếu mỗi trường phổ thông có một xưởng thực hành như tôi vừa gây dựng thì sẽ tốt biết bao. Vì muốn người trưởng thành thành công trong lĩnh vực khoa học công nghệ thì từ nhỏ cần nuôi dưỡng đam mê của học sinh"- anh chia sẻ.
_______________________________________
"Tôi "được" nhiều lắm mà nhiều nhất là những nụ cười của học sinh" - trải lòng của một cô giáo khi được hỏi cô nhận lại gì sau bao áp lực, vất vả.
Kỳ tới: Thay đổi để được những nụ cười
TTO - Câu nói "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" đã không còn đúng với nhiều bạn trẻ hiện nay khi đặt bút chọn sư phạm là nguyện vọng đầu tiên và duy nhất trong khi có nhiều cơ hội vào học các trường danh tiếng khác.
Xem thêm: mth.51352209022110202-oaig-ehgn-ohc-gnav-aohk-aihc-mit-6-yk-coh-yad-ehgn-uey/nv.ertiout