Đầu tư mạnh để Quảng Ninh, Phú Quốc thành trung tâm du lịch biển
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có quyết định phân công nhiệm vụ, vạch rõ các giai đoạn phát triển để đưa Quảng Ninh, Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển lớn mang tầm quốc tế trong 10 năm tới. Các tuyến du lịch ra các đảo xa bờ cũng sẽ được tổ chức thí điểm.
Du thuyền ở Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan |
Nội dung trên có trong Quyết định số 3367/QĐ-BVHTTDL, vừa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành. Theo đó, trong đoạn 202 -2025, ngành du lịch sẽ tập trung cho các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển, đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế cho người dân chuyển đổi nghề.
Trong đó, các hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch biển sẽ gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng ven biển và hải đảo.
Bộ sẽ phối hợp với các ngành liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao ở một số địa bàn trọng điểm, khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo, các tuyến du lịch ra đảo trung bờ, xa bờ...
Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tuyến đường ven biển để đẩy mạnh phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng, công viên biển, đô thị ven biển, tạo sản phẩm du lịch biển đặc sắc.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, bộ tiếp tục xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.
Các chương trình hợp tác với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển vẫn tiếp tục được thực hiện cùng với mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia, kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; xây dựng phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế và phát triển các trung tâm du lịch lớn tại vùng biển Duyên hải Trung bộ.
Đây cũng là thời điểm bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo.
Các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, thám hiểm khoa học... cũng sẽ được hình thành trong giai đoạn này. Các tuyến du lịch ra các đảo gần, trung, xa bờ sẽ được thí điểm tổ chức trong giai đoạn này.
Quyết định trên có hiệu lực ngay ngày ký ban hành (ngày 16-11), nhằm cụ thể hóa các quan điểm mục đích, yêu cầu của Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 của chính phủ.
Nghị quyết số 26/NQ-CP là nghị quyết về kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mời đọc thêm:
Đòn bẩy mới để phát triển du lịch nội địa thời Covid-19
Yêu cầu doanh nghiệp du lịch đưa thông tin an toàn lên bản đồ chống dịch
Hợp tác để du khách có giá tour TPHCM - Đông Bắc rẻ hơn 20-30%
Xem thêm: lmth.neib-hcil-ud-mat-gnurt-hnaht-couq-uhp-hnin-gnauq-ed-hnam-ut-uad/029013/nv.semitnogiaseht.www