“Rác phí” không còn bình quân
Chiều 17/11, với 91,91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 171 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Đáng lưu ý, điều 79 của Luật này quy định, chậm nhất trước ngày 31/12/2024 phải thực hiện tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, mức “rác phí” này được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực hiện phân loại rác theo quy định thì những loại rác có khả năng tái chế và chất thải thực phẩm sẽ không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Ngược lại, nếu không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì tất cả rác thải ra sẽ phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Quy định này hướng tới tiêu chí công bằng xã hội, xả rác đến đâu trả tiền đến đấy và giúp hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân, phục vụ cho việc tái chế rác thải làm nguyên liệu cho ngành sản xuất khác và giảm bớt gánh nặng xử lý môi trường.
Trước đó, tại Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP.Hà Nội về “Ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn TP.Hà Nội” thì phí rác thải được tính cào bằng 6.000 đồng/người/tháng (đối với cá nhân cư trú ở các phường), 3.000 đồng/người/tháng (đối với cá nhân cư trú ở các xã, thị trấn).
Ngay cả các hộ, các tổ chức sản xuất kinh doanh có xả rác thải công nghiệp cũng vẫn thu bình quân theo mức từ 130.000 đồng đến 500.000 đồng/hộ/tháng.
Chính vì chính sách thu “rác phí” bình quân nói trên đã khiến cho mỗi người dân thiếu ý thức đối với môi trường sống. Nhiều cuộc vận động phân loại rác tại nguồn thất bại bởi dân không nhìn thấy lợi ích của họ trong đó, họ cũng không buộc phải làm theo khi chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe.
Trong khi đó, số liệu từ bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) năm 2019 cho hay, cả nước phát sinh hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, trong đó một số địa phương có khối lượng phát sinh lớn như TP. Hồ Chí Minh (9.100 tấn/ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.246 tấn/ngày), Bình Dương (1.764 tấn/ngày),...
Băn khoăn hiệu quả thực thi
Khi được hỏi về thu phí rác thải theo khối lượng hoặc thể tích, bà Lê Thị Lương (60 tuổi, ở phố Trường Chinh, Hoàng Mai, Hà Nội) nêu vấn đề: “Việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ được tính toán thế nào? Dùng cân để cân rác rồi ghi chép lại và tính tiền ư? Chưa mất tiền đổ rác mà nạn đổ trộm chất thải đã diễn ra tràn lan, bây giờ mất tiền thì tình trạng này sẽ phổ biến hơn, ai quản lý?”
Trước đó, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời báo chí ở hành lang Quốc hội hôm 13/6 rằng, có thể bán cho dân loại túi nilon quy chuẩn để đựng rác và lượng hóa bằng thể tích rác thải để tính tiền. Khi tôi chia sẻ điều này, bà Lương nói, nếu vậy hãy tạo ra cơ chế không thu gom rác nếu rác không đựng trong túi quy chuẩn và không tập kết đúng nơi. Khi đó những cộng đồng bị ô nhiễm vì rác thải không được thu gom sẽ tự có cơ chế giám sát lẫn nhau.
Ở một góc tiếp cận khác, trả lời tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Ủy viên ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng, việc điều chỉnh cách thức thu phí rác thải lần này mới hướng sự công bằng đến đối tượng rác thải sinh hoạt của người dân. “Đây có thể coi là sáng kiến, nhưng để giải quyết bài toán môi trường đồng bộ thì cần trả lời câu hỏi: Thế còn rác thải công nghiệp, bụi mịn, bụi amiang gây ung thư... thì cân đo đong đếm thế nào, tính toán thu phí thế nào cho công bằng?”, bà An nêu câu hỏi.
Một chuyên gia môi trường khác cũng nhận định: Thu phí rác thải sinh hoạt là cần thiết, nhưng quan trọng thu gom xong thì xử lý thế nào. Chỉ nên chôn lấp các loại rác hữu cơ dễ phân hủy. Các loại rác khác thì tái chế hoặc đốt sinh điện. Ta nên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng sinh điện, khuyến khích nhà máy sản xuất bao bì tự phân hủy thay cho nilon,... và phải làm quyết liệt.
Biến rác thành tiền
Bàn về vấn đề ứng xử với rác thải dưới góc độ kinh tế, trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, ông Phan Chí Hiếu - Phó Chủ tịch T.Ư hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) – cho hay, trong nền “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, rác thải không bị coi là thứ bỏ đi mà được coi là tài nguyên.
Ông Hiếu chia sẻ, trên thế giới, nhiều nước đã thành công với ngành công nghiệp tái chế rác thải, còn ở Việt Nam, đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để khai phá bởi lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn.
“Với quan điểm coi chất thải là tài nguyên, Việt Nam định hướng sẽ phát triển ngành kinh tế chất thải, thông qua quá trình thu gom, xử lý theo quy trình hiện đại nhằm tạo ra giá trị gia tăng từ chính rác thải” - ông Hiếu nói.
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Nam - Giảng viên khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” đã được nói từ 2015, một trong những lý do quan trọng là do phải chịu áp lực từ “kinh tế tuyến tính”, rác thải nhiều.
Xây dựng kinh tế tuần hoàn, theo ông Nam, không chỉ mang lại lợi nhuận mà là lợi ích kinh tế xã hội, giảm chi phí xử lý môi trường. Khi được áp dụng, những doanh nghiệp nào không tuân thủ sẽ vấp phải vấn đề thương hiệu, khả năng cạnh tranh cũng vì thế mà thấp hơn.
"Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải ở nước ta gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Thuật ngữ “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” trong đó chú trọng tái sử dụng các nguyên vật liệu và rác thải là giải pháp giúp các quốc gia thích nghi và phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Việt Nam cần có chính sách phát triển công nghiệp môi trường để rác là tài nguyên, chứ không phải là chất gây ô nhiễm".
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam