Năm 2015, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quyết định mua 800 ha đất rừng tràm ở miền Tây để trồng lúa hữu cơ. Đến 2018, ông cũng chỉ mới trồng 100 ha lúa hữu cơ trên mảnh đất theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Nhưng vụ đông xuân này, ông quyết định trồng diện rộng, không chỉ trên ruộng của công ty mà còn liên kết với nông dân, tổng quy mô 1.500 ha.
"Hôm qua, chúng tôi đã xuống giống vụ đông xuân ở Cờ Đỏ (Cần Thơ), vài ngày tới sẽ lần lượt đến các ruộng ở Cà Mau, Kiên Giang. Trước đây làm ít lúa hữu cơ vì người mua hạn chế, nhưng giờ thì 100 ha cũng bắt đầu thiếu", ông nói.
Tự tin về đợt mở rộng quy mô này, ông Bình nói xu thế hữu cơ đã hiện rõ khi có nhiều người dùng sản phẩm hữu cơ. Một số có "chê" nông sản hữu cơ là đắt đỏ nhưng vẫn có người xem sức khoẻ là nhất, không đặt nặng về giá.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamit cũng đánh giá, thời của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là từ năm 2020. Ông cho rằng, người tiêu dùng đang trông đợi sản phẩm thiết thực cho cuộc sống, nói cách khác là thực phẩm sạch.
"Chúng ta phải cảm ơn Covid-19, khi mà những sản phẩm liên quan sức khoẻ đều tăng trưởng. So với doanh nghiệp nhỏ và startup, các hãng lớn không trở tay kịp. Năm nay chính là cơ hội lớn cho các startup đã chuẩn bị từ 2018-2019 bùng nổ, một số còn đang thiếu hàng", ông Viên cho biết.
Một số đơn vị sản xuất hữu cơ khác cũng bắt đầu nhìn thấy cơ hội sau thời gian chật vật bám trụ. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, Nhà sáng lập Happy Vegi, khởi sự làm nông nghiệp hữu cơ với mảnh vườn nhỏ 5.000 m2 vào năm 2011.
Đến năm 2018, Happy Vegi không còn "đốt tiền" nữa. Nhiều đơn vị tìm đến ngỏ lời muốn liên kết sản xuất. Sau thời gian hoàn thiện quy trình quản lý phần mềm, năm nay, bà Viên mới tự tin bắt tay cùng các đối tác.
"Chúng tôi đang thiết lập 2 vườn liên kết bằng số hoá, quản trị nông nghiệp bằng ứng dụng. Với việc này, tôi tin rằng trồng rau sạch không hoá chất có thể đảm bảo thu nhập", bà Viên nói.
Không chỉ thị trường nội địa, một số đơn vị còn lạc quan về xuất khẩu nông sản hữu cơ, nhất là khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8. "Thị trường châu Âu rất thích hữu cơ, cứ bán là họ mua", chị Nguyễn Ngọc Hương, Nhà sáng lập dự án bột rau sấy lạnh Thiên Nhiên Việt, đơn vị đã xuất khẩu được sang thị trường này, đánh giá.
Theo mục tiêu của chính phủ, đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi cả nước.
Nhưng làm hữu cơ là cuộc chơi khó, có thể phải "đốt" hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Điều này có nghĩa, những người không thực sự trường vốn, tâm huyết và am hiểu về canh tác hữu cơ khó có thể bám trụ lâu dài, nhất là các startup.
Nếu chỉ trừ chi phí sản xuất, ông Bình nói rằng, lúa hữu cơ của công ty đang có lãi. Tuy nhiên, đó là chưa kể 400 tỷ đồng đã đổ vào để cải tạo 800 ha đất rừng tràm thành ruộng lúa và đầu tư hạ tầng, làm thủy lợi.
Hay như ông Trần Phong Lan, Giám đốc Công ty phát triển nông nghiệp Hải Âu, đơn vị chuyên bán dưa lưới, bí hạt đậu hữu cơ đã "đốt" gần 40 tỷ đồng vào đầu trồng trọt hữu cơ từ năm 2013 đến nay. Nhưng đó chưa phải con số cuối cùng.
"Con đường bán hàng cũng khó khăn như sản xuất, mà có khi còn hơn. Tạo ra sản phẩm từ năm 2013, nhưng để làm thương hiệu, xây hệ thống, đưa nó đến tay người tiêu dùng, chỉ trong 3 năm 2017-2011, tôi đã đốt thêm 30 tỷ", ông Lan nói và cho biết "trước mắt không biết tới đâu nhưng cũng rất hy vọng".
Bản thân ông Nguyễn Lâm Viên, người có nông trường mới đầu tư từ năm 2019, đến nay đã hòa vốn. Nhưng cũng có nông trường làm từ năm 2003 đến giờ vẫn lỗ. Đồng tình với ông Lan, ông Viên cho biết việc đưa nông sản hữu cơ đến người tiêu dùng không dễ. Giai đoạn 2017-2018, ông phải đi thuyết phục các siêu thị cho đặt quầy bán sản phẩm hữu cơ và kiên trì tiếp thị.
"Chi phí để giáo dục người dùng bằng hoặc hơn giá trị sản phẩm nhưng không làm tư vấn thì không bán được. Mỗi điểm bán, chúng tôi phải có người tư vấn và cho khác trải nghiệm thử", ông nói.
Để theo đuổi dài hạn, bản thân ông Lan còn có mảng kinh doanh riêng về vận tải hàng hải để bù lỗ. Các công ty như Vinamit hay Trung An của ông Viên, ông Bình cũng có tiềm lực tài chính và kiến thức từ hàng chục năm kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Do vậy, theo các chuyên gia này, các startup dấn thân vào nông hữu hữu cơ cần chuẩn bị rất kỹ.
"Hãy nhận thức về nông nghiệp hữu cơ nhưng để khởi nghiệp với nghề này cần cân nhắc rất kỹ", ông Phong Lan khuyến nghị. Theo ông, đây không phải là ngành mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, ưu điểm của nó là "theo đuổi giá trị bền vững thì tiền sẽ tự tới".
Ông Nguyễn Lâm Viên nhận định, đã có nhiều người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ thất bại như những con thiêu thân. "Tôi khuyên các bạn cần có thời gian tích luỹ kinh nghiệm, tiền bạc, định hướng rõ ràng về thị trường", ông nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình có cái nhìn lạc quan hơn. Theo ông, làm nông nghiệp hữu cơ giờ không rủi ro quá nhiều. Cần phải hiểu canh tác hữu cơ ngày nay cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, khác với hữu cơ trước kia. Tất nhiên, khi nhảy vào ngành này, phải xem xét quy mô thị trường và khả năng bản thân, biết rõ sẽ bán hàng ở đâu, bán cho ai, và có chứng nhận hữu cơ thế nào.
Nói về quyết định "chơi lớn" với 1.500 ha lúa hữu cơ, ông Bình nói, nếu thành công, giá gạo hữu cơ từ khoảng 40.000 đồng hiện nay có thể giảm một nửa. "Chắc chắn làm hữu cơ bây giờ có lời ngay", ông tuyên bố. Trước đó, để thuyết phục nông dân, Trung An đảm bảo đầu ra 8 tấn mỗi ha lúa hữu cơ cho nông dân. "Năng suất dưới 8 tấn thì chúng tôi bù, trên 8 tấn thì chia đôi", ông nói.
Viễn Thông