Tín dụng được dự báo tăng từ 9-10% trong năm nay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dự báo này được Công ty chứng khoán SSI đưa ra trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố.
Theo đó, SSI cho biết trong quý 3, các ngân hàng đã bơm ra thị trường 153.300 tỉ đồng qua kênh tín dụng, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý 2. Nhờ vậy, đến hết quý 3 tín dụng đã tăng 7,5% so với đầu năm.
Trong quý 3, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng cổ phần, trong đó hạn mức cao nhất hiện nay là 23% với Tehcombank, TienPhongBank và VIB.
Dù tăng trưởng tín dụng bị hạn chế nhưng theo SSI, 13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của báo cáo đạt tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29.700 tỉ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ nhờ nguồn thu nhập từ phí và hoa hồng tăng đến 32% so với cùng kỳ.
Trong đó Techcombank dẫn đầu với mức tăng hơn 80% so với cùng kỳ, tiếp theo là Sacombank tăng 67% so với cùng kỳ, MBB tăng hơn 59%...
Tính chung, thu nhập ngoài lãi trong quý 3 của 13 ngân hàng đạt 19.200 tỉ đồng, tăng đến 15% so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng 23,3% trong tổng thu nhập hoạt động.
Về lợi nhuận chung, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, Vietcombank vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với 15.965 tỉ đồng lãi trước thuế. Techcombank và VietinBank xếp vị trí tiếp theo với 10.711 tỉ đồng và 10.364 tỉ đồng.
Theo sát sau đó là VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 9.398 tỉ đồng; MB với 8.134 tỉ đồng.
Ở nhóm các ngân hàng nhỏ hơn, Ngân hàng SeABank đạt 1.132 tỉ đồng, Ngân hàng An Bình đạt 946 tỉ đồng, Ngân hàng Nam Á đạt lợi nhuận 388 tỉ đồng, VietBank 374 tỉ đồng…
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của NamABank, quý 3-2020 ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế hơn 186 tỉ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước nhờ thu nhập lãi thuần, dịch vụ và ngoại hối. Tổng tài sản của ngân hàng này cũng tăng hơn 26% so với đầu năm, đạt gần 120.000 tỉ đồng, đồng thời là một trong 10 ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC.
Tuy nhiên theo SSI, dù kết quả lợi nhuận của các ngân hàng khá khả quan trong ba quý đầu năm nhưng tác động của dịch COVID-19 sẽ dần dần được phản ánh trong nợ xấu của các ngân hàng.
Từ quý 3, chi phí dự phòng để xử lý nợ xấu của các ngân hàng đã tăng 18% so với quý trước, nhưng nợ xấu vẫn tăng lên 1,77% từ mức 1,68% của quý 2. Do vậy, dự báo chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn trong quý 4.
"Việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến lợi nhuận của các ngân hàng và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi", SSI dự báo.