Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành ngân hàng phải đa dạng hóa nguồn thu và kinh doanh ngoại hối đang trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng có thể được tính bằng lần.
LÃI LỚN TRONG 9 THÁNG ĐẦU NĂM
Mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thường được gắn với hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Vào những năm tỷ giá biến động càng mạnh, càng nhiều đợt thì năm đó các ngân hàng thường có lợi nhuận lớn ở mảng kinh doanh này, và ngược lại.
Tuy nhiên năm nay lại có sự khác biệt lớn. Tỷ giá trong quãng thời gian dài khá ổn định, duy trì giao dịch quanh mức 23.090 – 23.270 VND/USD (mua vào – bán ra) nhưng hầu hết mảng kinh doanh ngoại hối tại các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh.
Trong đó, TPBank là một trong những ngân hàng tăng mạnh nhất, từ 25 tỷ đồng (9 tháng năm 2019) lên 142 tỷ đồng (9 tháng năm 2020), tương đương tăng hơn 5,6 lần.
Tương tự, SeABank cũng ghi nhận lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tăng đột biến từ 15 tỷ lên 49 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng hơn 3,2 lần. Tại NamABank, lợi nhuận từ mảng này cũng tăng vọt lên 51 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm so với mức chỉ 19 tỷ đồng cùng kỳ.
Các ngân hàng khác như MSB, SHB cũng ghi nhận lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng trên 100% trong kỳ qua, ở mức lần lượt 134% và 131,6%. ACB và VPB tăng 36-56%...
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu với lợi nhuận 2.963 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,6% tổng thu nhập hoạt động.
Xếp tiếp sau là VietinBank với 1.514 tỷ đồng, tăng trưởng 27,3%, đóng góp 4,7% tổng thu nhập; BIDV với 1.254 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, đóng góp 4,7% tổng thu nhập.
Ngược lại, vẫn có một số ngân hàng trước kia có sự tăng trưởng lợi nhuận đứng trong nhóm dẫn đầu thì nay đã "rớt" xuống nhóm cuối, thậm chí còn nhận về kết quả tăng trưởng âm.
Có thể kế đến như VPBank trong 9 tháng đầu năm ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ 220 tỷ đồng; VIB lỗ 6,8 tỷ đồng và BacABank lỗ 6,2 tỷ đồng.
Dù vậy, VIB và BacABank đã có lãi tăng mạnh trong quý 3/2020 lần lượt ghi nhận lãi 21 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ 28,6 tỷ đồng) và 7,4 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ 4,2 tỷ đồng).
Theo giới chuyên môn phân tích, chênh lệch giá mua bán trong 9 tháng đầu năm 2020 rộng hơn cùng kỳ năm trước đã giúp các ngân hàng đạt được biên lợi nhuận cao hơn trong mỗi giao dịch.
Trong 9 tháng đầu năm, chênh giá mua - bán được doãng rộng lên tới khoảng 200 VND, thay vì chỉ chênh 90 - 120 VND cùng kỳ năm trước; hoặc lùi về nhiều năm trước chênh lệch này chỉ khoảng 70 - 80 VND, do đó biên lợi nhuận ngân hàng cũng tăng cao.
TRANH THỦ KIẾM LỜI QUÝ CUỐI NĂM
Sang đến quý 4/2020, diễn biến tỷ giá vẫn ổn định ở vùng thấp trong bối cảnh đồng USD liên tục suy yếu và nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Cụ thể, tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã lên gần 59 triệu ca trong đó chỉ một số nước Châu Âu (Pháp, Đức) có tín hiệu giảm tốc còn hầu hết các nước vẫn đang tăng rất mạnh, trầm trọng nhất là Mỹ, Ấn Độ. Tâm lý thị trường chỉ được hỗ trợ tương đối bởi các thông tin tích cực về vắc xin, những liều vắc xin đầu tiên của Mỹ có thể bắt đầu từ giữa tháng 12/2020. USD giảm giá so với các đồng tiền khác.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan công bố thặng dư thương mại tháng 10 ở mức 2.94 tỷ USD, cao hơn so với mức ước tính 2.2 tỷ USD của Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó, tổng thặng dư thương mại 10 tháng được đưa lên mức kỷ lục mới là gần 20 tỷ USD.
Theo đó, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tuần qua giữ ở mức 23.055 VND (mua vào) và 23.265 VND (bán ra). Mức chênh lệch mua vào và bán ra duy trì 210 VND vẫn giúp các ngân hàng kiếm lời.
Ở khía cạnh khác, thông thường, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại luôn được giữ ở mức cân bằng, khoảng 5% vốn tự có. Trong trường hợp vượt mức sẽ được bán sang Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục giữ trạng thái cân bằng.
Đáng chú ý, tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên ở mức 23.175 VND/USD từ đầu năm đến nay, duy trì mức cao hơn tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại 100-120 VND/USD trong 5 tháng gần đây. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng đang dư thừa ngoại tệ đều sẽ bán cho Ngân hàng Nhà nước để kiếm chênh lệch.
Thực tế cũng cho thấy, riêng trong tuần từ 9/11 đến 13/11, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng. Thậm chí, tuần liền sau đó hoạt động mua vào của nhà điều hành vẫn tiếp diễn. Dự trữ ngoại hối theo tính toán hiện tại đã tăng lên quanh mức 95-96 tỷ USD, tương đương 4,2 tháng nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ khá thuận lợi và mục tiêu đạt 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối sắp hoàn thành nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét hạ tỷ giá mua vào.
“Đây có thể là một phần lý do khiến các ngân hàng thương mại đẩy mạnh bán ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây”, nhóm nghiên cứu tại Công ty chứng khoán SSI đánh giá.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, hoạt động mua-bán ngoại tệ được áp dụng theo cơ chế thị trường, các ngân hàng phải thận trọng theo dõi sát diễn biến điều hành tỷ giá của cơ quan quản lý để có những điều chỉnh hợp lý.
Xem thêm: mth.6243245132110202-aig-yt-ut-iol-meik-uht-hnart-gnah-nagn/nv.ymonocenv