Nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành và tờ giấy bạc Cụ Hồ mệnh giá 200 đồng năm 1954 - Ảnh: L.ĐIỀN
Năm 2021 tới đây là kỷ niệm 70 năm Ngân hàng Nhà nước, ngoài dự định chuyển sở hữu lại cho Nhà nước, cuối đời tôi sẽ tặng lại một phần sưu tập cho bảo tàng lưu giữ, trưng bày để góp phần phục dựng toàn cảnh bức tranh kháng chiến cũng như một phần lịch sử tiền tệ Việt Nam cho thế hệ sau.
Nhà sưu tập tiền giấy HUỲNH TẤN THÀNH
Càng đặc biệt hơn, gần 1.200 tư liệu, hiện vật từ giai đoạn Pháp thuộc đến nay được trưng bày đến hết tháng 3-2021 đều xuất xứ từ bộ sưu tập cá nhân của nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành.
Nghiên cứu sử từ những tờ giấy bạc
Tại ngôi nhà lẩn khuất trong con hẻm sâu ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), ông Huỳnh Tấn Thành kể về những ngày đầu lân la vào giới sưu tập:
"Lúc đó tôi còn làm việc cho Nhà nước, tranh thủ mối quan hệ với anh em quen biết trong giới sưu tập, và đặc biệt là có nhiều kênh sưu tập qua mạng, tức phải dò tìm theo "đường dây" giới sưu tập tiền quốc tế. Thỉnh thoảng họ chào bán ở eBay hoặc một số đầu mối ở Pháp...".
Có thể nói bức tranh tiền giấy Việt Nam từng liên tục bị xáo trộn và vì tiền tệ là công cụ quyền lực, là "bản vị" khẳng định sức mạnh "dòng chính" của nhà cầm quyền, nên từ các cuộc tranh chấp quyền lực trong lịch sử, nhiều loại tiền đã được nhiều phía phát hành.
Chẳng hạn, tiền giấy bạc Đông Dương của Pháp tồn tại từ lâu trước năm 1945, đến khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Tiền Tài chính hay Giấy bạc Cụ Hồ chính thức lưu hành từ ngày 30-11-1946.
Nhưng từ năm 1947-1954, bốn tỉnh ở Liên khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) được phép in, phát hành Tín phiếu ngang giá với Tiền Tài chính. Còn ở Nam Bộ in, phát hành Tiền Nam Bộ, Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác và Tín phiếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Như vậy là tại các vùng miền có đến hai hệ thống tiền song song tồn tại.
Mãi đến ngày 5-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, từ đây tiền tệ chính thức do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam in ấn và phát hành.
Ông Huỳnh Tấn Thành cho biết trên tờ giấy bạc cụ Hồ có kỳ hiệu đặc biệt mà ông tìm hiểu được - Ảnh: L. ĐIỀN
Trong những năm chống Mỹ, còn có Tiền Mặt trận của UBTƯ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát hành và lưu thông trong vùng giải phóng, bộ đội ở Trường Sơn có "tiền Trường Sơn" hay còn gọi là "Phiếu bách hóa Trường Sơn".
Lúc này, Việt Nam Cộng hòa có bộ tiền giấy Việt Nam Cộng hòa, với tổng cộng năm lần phát hành từ 1955-1972.
Khi đất nước thống nhất, sau Hội nghị hiệp thương chính trị vào tháng 11-1975, Chính phủ ra quyết định thống nhất tiền tệ. Ngày 25-4-1978, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức phát hành hệ thống tiền tệ mang quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chất lượng của chuyên đề triển lãm lần này là ở mỗi chặng đường lịch sử của tiền giấy Việt Nam như trên đều có hiện vật để minh họa. Người xem có thể thực mục sở thị các loại tiền từng được lưu hành trong nhiều hoàn cảnh của đất nước. Có những loại tiền được xem là hiếm hoi như tín phiếu ở Trường Sơn, tiền trong chiến khu... cũng được trưng bày.
4 bản phác thảo cho hai mặt của tờ giấy bạc tài chính Nam bộ - Ảnh: L. ĐIỀN
Tiền xé đôi, giấy bạc "đắp nền"
Nhưng đáng kể nhất vẫn là những hiện vật độc nhất vô nhị trong lịch sử tiền giấy mà có lẽ chỉ tồn tại ở Việt Nam. Đó là trường hợp giấy bạc xé đôi vẫn sử dụng được. Điều này xảy ra ở Nam Bộ từ năm 1947.
"Lúc này vì chưa có tiền riêng để sử dụng, Ủy ban Hành chính cách mạng các tỉnh ở miền Nam như Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc, Tiền Giang, Bến Tre, Chợ Lớn, Long Phước, Rạch Giá, Hà Tiên... đã phải sử dụng giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương để tiêu dùng.
Do thiếu bạc lẻ chi dùng, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ chủ trương xé đôi giấy bạc nhỏ Đông Dương (mệnh giá 1đ, 5đ, 10đ và 20đ) để lưu hành trong vùng giải phóng. Những tờ giấy bạc này có đóng dấu của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, còn gọi là "tiền/giấy bạc xé đôi"" - ông Thành cho biết.
Nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành giới thiệu 3 hiện vật khuôn đúc giấy bạc tài chính Nam bộ - Ảnh: L. ĐIỀN
Trường hợp độc đáo thứ hai là tờ giấy bạc trung ương phát hành tại Nam Bộ vào năm 1948, cũng theo ông Thành, thời gian này thực dân Pháp đã tung ra nhiều giấy bạc Việt Nam giả.
Để đối phó với nạn bạc giả, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ cho dán phiếu "kiểm soát đặc biệt" có chữ ký của chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và trưởng Ty Ngân khố tỉnh lên tờ giấy bạc 100 đồng (màu đỏ) rồi cho phép lưu hành. Giấy bạc này còn được gọi là "giấy bạc/tiền đắp nền".
Như bị ma lực của các hiện vật thuộc hàng độc nhất vô nhị cuốn hút, ông Huỳnh Tấn Thành tiếp tục dốc sức tìm tòi và tận dụng các cơ duyên, để rồi đến nay không chỉ các tờ tiền "độc", mà các bản phác thảo tiền - tức bản vẽ tay mỗi mặt của tờ tiền - cũng thuộc về tay ông.
Hiện vật quý hơn gia bảo
3 tấm kim loại là khuôn đúc tờ giấy bạc Tài chính Nam Bộ - hiện vật quý hơn gia bảo của ông Huỳnh Tấn Thành - Ảnh: L.ĐIỀN
Trong số các hiện vật chuyển đến bảo tàng, có ba tấm kim loại ông Thành đích thân cầm đến chứ không bàn giao cho bảo tàng như thông thường. Đó là ba tấm khuôn đúc của tờ giấy bạc Tài chính Nam Bộ (1947-1948).
Cẩn thận mở gói vải đặt ba tấm khuôn đúc tiền có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh lên bàn, ông Thành cho hay đây là hiện vật còn hơn cả gia bảo, phải được xem là tài sản quý của quốc gia.
TTO - Đồng tiền cổ nhất của Việt Nam hiện được xác định là đồng Thái Bình Hưng Bảo dưới triều Đinh Tiên Hoàng (năm 968), đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Q1).
Xem thêm: mth.61284209042110202-man-teiv-yaig-neit-us-hcil-gnort-cod-gnah-neid-hnirt/nv.ertiout