Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành nhưng mãi vẫn không đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác - Ảnh: NAM TRẦN
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bộ trưởng Bộ GTVT đã hứa tổ chức thực hiện tổng thể thông xe an toàn trước tháng 1-2021.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan không được lấy lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 để trì hoãn chậm đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10-2011 với mốc hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 6-2015. Thời điểm đó, mọi người đều hi vọng tuyến đường sắt đi trên cao dài 13km này sẽ là tuyến metro đầu tiên của cả nước đi vào khai thác.
Nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là những người làm việc, sinh sống dọc tuyến đường từ ngã tư Sở đến Hà Đông đã nhẫn nhịn, chấp nhận cảnh chen chúc nhiều năm khi công trường đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiếm đường để thi công.
Họ nhẫn nhịn để hi vọng tuyến đường sắt này hoàn thành sẽ cải thiện tình trạng giao thông trên con đường đông đúc nối trung tâm Hà Nội với Hà Đông.
Nhưng đến nay sau hơn 9 năm thi công và dù nhiều lần gia hạn tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn luôn tuột mốc tiến độ hoàn thành. Cùng với sự chậm trễ, tăng tổng mức đầu tư, sự thiếu chuyên nghiệp của tổng thầu và những vụ tai nạn trong thi công, có cả tai nạn chết người khiến dư luận rất bức xúc.
Sau nhiều mốc tiến độ hoàn thành bị phá vỡ, có những thời điểm Bộ GTVT - chủ đầu tư dự án - không thể đưa ra cam kết bao giờ hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Người dân nhiều lần hi vọng rồi lại thất vọng. Họ thắc thỏm không biết khi nào được đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông để bõ những ngày chen chúc vì ùn tắc do dự án thi công.
Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã thống nhất một số nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hoàn thành như: khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hệ thống quy định pháp luật còn bất cập, chủ đầu tư và tổng thầu (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, triển khai đường sắt đô thị.
Trong các nguyên nhân nói trên, có nguyên nhân đã được tháo gỡ. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành, cơ quan liên quan giải quyết các nguyên nhân còn lại để hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Chính phủ cũng đã cấp phép cho các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện dự án.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu không được lấy lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 để trì hoãn, chậm đưa dự án vào hoạt động.
Sau những lần thất vọng, người dân thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những người đã nhường đường cho công trường đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đang mong lời hứa thông xe an toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước tháng 1-2021 của bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thành hiện thực.
Đã có nhiều lời hứa, cam kết hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa ra sau mỗi lần gia hạn tiến độ dự án, nhưng chưa có lời hứa nào đúng hẹn.
Ngoài trách nhiệm, lời hứa còn là danh dự. Mong rằng lời hứa lần này của người đứng đầu Bộ GTVT, cơ quan làm chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẽ là lời hứa cuối cùng về tiến độ hoàn thành dự án.
TTO - Thủ tướng yêu cầu các cơ quan không được lấy lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 để trì hoãn, chậm đưa dự án vào hoạt động. Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hứa tổ chức thông xe an toàn trước tháng 1-2021.
Xem thêm: mth.21685638042110202-gnourt-ob-auc-gnuc-iouc-auh-iol/nv.ertiout