vĐồng tin tức tài chính 365

Đưa thương hiệu nông nghiệp Việt ra quốc tế

2023-12-31 07:19

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 địa phương, có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân được gửi tới Thủ tướng.

Tích tụ ruộng đất sản xuất lớn

Từ buôn Kla (xã Dray Sáp, H.Krông Ana, Đắk Lắk), nông dân Y Pốt Niê hỏi: Chính phủ đã có chủ trương chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị?

Đưa thương hiệu nông nghiệp Việt ra quốc tế- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với nông dân chiều 30.12

Nhật Bắc

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng trước khi hỏi "Chính phủ giúp gì cho nông dân thì cần trả lời nông dân giúp gì cho nhau". Chỉ khi tham gia kinh tế tập thể mới cùng nhau phát triển được nền nông nghiệp đa giá trị. Đặc thù VN diện tích canh tác bình quân, hộ sản xuất rất nhỏ, chi phí càng lớn. Do đó, VN đang từng bước tích tụ ruộng đất, một trong những địa phương làm tốt điều này là Thái Bình với CLB đại điền tập trung những nông dân sở hữu diện tích lớn.

Theo ông Hoan, Bộ NN-PTNT cũng đang cùng các doanh nghiệp (DN) luôn đồng hành, trợ giúp bà con, ví dụ đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây nguyên. Các DN đã đầu tư rất lớn vào giống, vật tư nông nghiệp để cùng nông dân tạo ra những vùng nguyên liệu chất lượng.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá để sớm chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phải tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa mặt sản lượng.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hùng Thơm (Gia Lai), cho biết phần lớn nông dân rất cần cù, nhưng điểm hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin về thị trường và vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản. Bà cũng mong muốn Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp giúp nông dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường.

Thông tin với bà Thơm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh bộ vẫn nắm bắt được tín hiệu thị trường và nhu cầu của bà con để thông tin. Song đây không chỉ là việc của Bộ Công thương mà phải phối hợp các bộ, địa phương và các Sở Công thương để quảng bá, thu mua, tiêu thụ các sản phẩm. Thực tế, thời gian qua đã triển khai hiệu quả với thanh long, dưa hấu ở Bình Thuận, cà rốt ở Hải Dương, dừa ở Bến Tre... Dù vậy, theo ông Tân, nếu muốn xây dựng thương hiệu lớn thì phải có các DN lớn.

Xây dựng nông nghiệp xanh

Băn khoăn về chính sách với nông nghiệp xanh, ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An), chuyên làm lúa chất lượng cao, cho biết tại Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu (COP) 28 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh VN là nước đầu tiên triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dành khoản vay ưu đãi lên tới hơn 410 triệu USD. Ông Tuấn mong muốn có chính sách hỗ trợ cụ thể để các HTX được tham gia đề án.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cần phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu... Các HTX cũng phải tư duy lại và gia tăng chế biến, tận dụng các phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa. Bộ NN-PTNT đang hỗ trợ và xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh vùng ĐBSCL. Sau đó, nhân rộng ra nhiều tỉnh khác, biến ngành hàng lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị.

Giám đốc HTX dược liệu QueenFarm (Thanh Hóa) Trần Văn Tân nhắc lại việc thị trường tiêu thụ nông sản nội địa gặp nhiều khó khăn, nghịch lý "được mùa rớt giá" và đặt câu hỏi: Để khắc phục điều này, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, HTX đưa các sản phẩm OCOP (chương trình "mỗi xã một sản phẩm"), sản phẩm đặc sản địa phương quảng bá lên sàn thương mại điện tử trong nước và thế giới?

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công thương và các ngành sẽ hỗ trợ bà con đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước, với lượng giao dịch hàng chục triệu lượt/ngày. Nhưng cái khó là câu chuyện liên kết với các sàn quốc tế. Với các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon, Alibaba… liên quan Mỹ, Trung Quốc thì đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Ông Tân cũng nhắc lại cần phải có sự liên kết, tạo thương hiệu sản phẩm tốt; đào tạo, tích cực hỗ trợ bà con đưa sản phẩm OCOP lên các sàn. Bộ Công thương đã thực hiện chương trình hỗ trợ hàng chục DN, với gần 10.000 sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba…

Cần "chiếc áo" tín dụng rộng hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh VN có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm bán đắt nhất thế giới. Chúng ta phải xây dựng thương hiệu nhưng có thương hiệu mà không quy hoạch thì rất khó xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

"Phải có DN cung ứng đầu vào và lo đầu ra cho người dân. Ngân hàng phải cho vay, làm nông nghiệp mà bắt nông dân vay như lĩnh vực khác như bất động sản là rất khó. Phải có chính sách ưu đãi vốn riêng cho nông nghiệp với đặc thù riêng", Thủ tướng khẳng định.

Nhắn nhủ thêm với người dân, người đứng đầu Chính phủ căn dặn bà con phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. "Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có", Thủ tướng nói.

Trước nhiều thắc mắc về khó khăn vốn vay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ thế chấp tài sản trong tương lai và cần linh hoạt trong tiếp cận vốn cho người nông dân. Bên cạnh đó, các quỹ hỗ trợ nông dân cũng cần mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện tiếp cận nguồn vốn quỹ.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, về nguồn lực hiện nay tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỉ đồng nhưng riêng nông nghiệp, nông thôn mức tổng dư nợ đang là 3,3 triệu tỉ đồng, tương đương 1/4 tổng dư nợ nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì cao nhất trong tất cả các ngành, chiếm khoảng 10 - 12%/năm. Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận một số cơ chế, chính sách đã ban hành đến nay như "cái áo chật, đang cần một cái rộng hơn". Do đó, phải có cơ chế mở rộng hơn nữa đối với các DN, không phải chỉ là những sản xuất nhỏ, sản xuất hộ dân, cá thể.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, nông nghiệp nước ta đã đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt tới 3,83%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử VN xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỉ USD. Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển nông nghiệp tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu dựa trên "tư duy sản xuất", cần nhanh chóng chuyển đổi sang "tư duy kinh tế", tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững.

Bộ NN-PTNT cần tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị theo phương châm "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau".

Hỗ trợ việc làm cho con em nông dân mất việc

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân H.Thanh Chương (Nghệ An), chia sẻ thực trạng một bộ phận lao động nông thôn là con em nông dân đi làm công nhân ở TP, đô thị mất việc làm (chủ yếu bị DN sa thải, cắt giảm lao động) đã quay trở về quê mang theo nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, bộ này đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, quỹ hỗ trợ việc làm và các nguồn ưu đãi tín dụng khác. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tạo việc làm gắn các đối tượng lao động. Bộ LĐ-TB-XH cũng đang hoàn thiện Đề án sửa đổi luật Việc làm và sẽ báo cáo Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2024. Nhiều cơ chế, chính sách sẽ được quan tâm hơn trong đào tạo, bố trí việc làm cho lao động nông thôn.

Xem thêm: mth.865138522032132581-et-couq-ar-teiv-peihgn-gnon-ueih-gnouht-aud/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đưa thương hiệu nông nghiệp Việt ra quốc tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools