Gốc bạch tùng cổ thụ vừa bị đốn hạ - Ảnh: M.V.
Ngày 24-11, Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết lực lượng chức năng vừa phát hiện một vụ phá rừng nguyên sinh tại tiểu khu 249 thuộc xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.
Kiểm đếm, đơn vị ghi nhận có 11 cây bạch tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, cưa xẻ thành thành phẩm và mang ra khỏi khu rừng tự nhiên. Trong đó có 7 cây bạch tùng với khối lượng trên 14m3 gỗ.
Tại hiện trường, hơn 11 cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có thân cây to quá hai người ôm, dài tới 50m bị chặt hạ. Gỗ thành phẩm đã bị mang ra khỏi rừng, chỉ còn lại những tấm ván bìa. Nhiều ngọn cây, cành lá vẫn còn xanh tươi.
Xung quanh khu vực bạch tùng bị đốn hạ còn rất ít rừng tự nhiên, hầu hết diện tích là cà phê trồng trái phép trên đất rừng.
Gỗ bìa còn lại tại hiện trường
Theo Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà, vụ việc được kiểm lâm địa bàn phát hiện ngày 17-11 trong khi đi tuần tra bảo vệ rừng. Khu vực này là lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà. Sau khi phát hiện, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đã khoanh vùng đối tượng tình nghi và tổ chức kiểm tra.
Đến ngày 20-11 đã phát hiện 1,55m3 gỗ bạch tùng cùng chủng loại tại vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1966, ở thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà).
Theo lời khai ban đầu, số gỗ trên được ông Tuyến mua của B.M.T., 38 tuổi, ở cùng thôn. Đáng chú ý, ông Tuyến là tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng ở TK 249, nơi hàng loạt cây cổ thụ vừa bị triệt hạ.
Thân bạch tùng cổ thụ có đường kính gốc lớn
Khu vực rừng bị khai thác trái phép là rừng tự nhiên, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Theo quy định, nếu khối lượng gỗ bị khai thác từ 10m3 trở lên sẽ bị khởi tố hình sự...
Hiện Công an huyện Lâm Hà đã mời ông Nguyễn Văn Tuyến để làm rõ vụ việc.
TTO - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát xử lý nghiêm vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Lạc Dương, giáp ranh TP Đà Lạt. Khu vực bị phá là rừng thông cổ thụ.