Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - Ảnh: REUTERS
"Đây đã và đang là giai đoạn đáng quan ngại nhất trong lịch sử Hong Kong kể từ sau khi thành phố này được trao trả cho đại lục", ông Raab viết trong phần lời tựa của bản báo cáo thường kỳ 6 tháng mới nhất về Hong Kong, theo Hãng tin Reuters.
Anh, đã trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, cáo buộc luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt lên vùng lãnh thổ này hôm 30-6 đã vi phạm Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh năm 1984 về việc quản lý Hong Kong sau khi trao trả.
"Tôi đã bắt đầu tham vấn với ông Robert Reed, chủ tịch Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, để thảo luận về việc liệu có còn phù hợp để các thẩm phán Anh làm thẩm phán không thường trực ở Tòa chung thẩm (tương đương tòa án tối cao ở các nước) của Hong Kong hay không", ông Raab nêu thêm.
Theo Hãng tin Reuters, hiện có khoảng 13 thẩm phán nước ngoài đang làm thẩm phán không thường trực tại tòa án tối cao ở Hong Kong, bao gồm các thẩm phán người Anh.
Luật cơ bản Hong Kong có quy định về sự hiện diện của các thẩm phán nước ngoài - một quy định để đảm bảo sự tự do và tự trị của trung tâm tài chính toàn cầu này dưới sự quản lý của chính phủ Trung Quốc.
London cũng phản đối nghị quyết mới của Trung Quốc cho phép chính quyền đặc khu được quyền bãi nhiệm các nghị sĩ do dân bầu. Nội dung của nghị quyết này nêu rõ các nghị sĩ Hong Kong sẽ mất ghế ngay lập tức nếu được xác định là gây "đe dọa cho an ninh quốc gia".
Ít nhất 4 nghị sĩ đã mất ghế ngay sau khi Trung Quốc ra nghị quyết, và 15 nghị sĩ đối lập khác đã tuyên bố từ chức để phản đối quyết định này của chính quyền đặc khu.
Chính quyền Hong Kong đã chỉ trích Ngoại trưởng Raab, mô tả báo cáo trên là "các cuộc tấn công càn quét và các cáo buộc vô căn cứ" và là những "lời nhận xét vô trách nhiệm".
Trong khi đó, như Tân Hoa xã đưa tin, văn phòng đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong đã bày tỏ "sự phẫn nộ mạnh mẽ" trước báo cáo của Ngoại trưởng Anh.
"Hãy tỉnh dậy và ngừng giấc mơ cũ về việc can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong" - Tân Hoa xã dẫn lời một đại diện ngoại giao từ văn phòng trên cho biết.
TTO - Hoàng Chi Phong cùng hai nhân vật hoạt động chính trị đối lập Chu Đình và Lâm Lãng Ngạn đã nhận tội vì tham gia các cuộc biểu tình năm ngoái tại đặc khu Hong Kong.
Xem thêm: mth.34294732142110202-gnok-gnoh-oac-iot-na-aot-iohk-hna-nahp-maht-cac-tur-tex-mex-nodnol/nv.ertiout