Fritillaria delavayi (hay Bối mẫu) là một loài thực vật có hoa trong họ Liliaceae, thường được tìm thấy trên các sườn núi đá của dãi Himalaya và dãy Hoành Đoạn ở tây nam Trung Quốc. Là một loại cây sống lâu năm, cây Bối mẫu mất tới 5 năm mới ra hoa một lần duy nhất vào tháng 6.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, cây Bối mẫu đã bắt đầu được con người thu hoạch làm dược liệu từ 2000 năm trước. Phần củ của cây Bối mẫu sẽ được nghiền nát để điều chế thành bài thuốc trị hiệu quả chứng cảm lạnh, nôn ra máu và ho, hoặc làm thuốc long đờm, chữa viêm họng, viêm amidan. Với giá bán ngày một đắt đỏ trên thị trường dược liệu, Bối mẫu trở thành mục tiêu hàng đầu của những người chuyên thu hái thảo dược tại Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, việc thu hoạch loài cây này sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi Bối mẫu đã tiến hóa thêm khả năng ‘ngụy trang’ để đối phó với con người, theo một công trình nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Trung Quốc & Anh thực hiện mới đây.
Theo đó, các nhà khoa học phát hiện màu sắc của lá và hoa của các cây Bối mẫu tại những khu vực thường xuyên bị con người thu hái đã chuyển từ màu xanh sang màu xám, hòa lẫn với màu sắc của lớp đất đá nơi chúng mọc lên. Trong khi đó, tại những khu vực ít áp lực thu hoach thấp, phần lá và hoa của cây Bối mẫu vẫn giữ nguyên màu xanh như bình thường.
"Giống như những loài thực vật ngụy trang khác từng được nghiên cứu trước đây, chúng tôi nghĩ rằng sự tiến hóa ngụy trang của loại cây này là do động vật ăn cỏ tác động. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy loại động vật nào như vậy", Tiến sĩ Yang Niu, thuộc Viện Thực vật học Côn Minh, đồng tác giả cho biết của nghiên cứu cho biết.
"Sau đó, chúng tôi nhận ra con người có thể là ‘thủ phạm’ khiến Bối mẫu phải tiến hóa."
Điều này có nghĩa, con người chính là ‘thủ phạm’ khiến cây Bối mẫu phải tiến hóa thành các dạng màu sắc mới, vốn giúp chúng có cơ hội sống sót cao hơn nhờ khả năng ngụy trang tốt.
"Nhiều loài thực vật dường như sử dụng biện pháp ngụy trang để ‘trốn’ khỏi các loài động vật ăn cỏ. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta đã thấy được thực vật đã phát triển thêm khả năng ngụy trang để chống lại việc bị con người hái lượm". Giáo sư Martin Stevens thuộc Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Đại học Exeter cho biết.
Anh Việt
Pháp luật & bạn đọc