Với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”, Diễn đàn M&A cung cấp cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam. - Ảnh: N.B
Chiều 24-11, tại diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2020 được tổ chức ở TP.HCM, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong xu hướng đầu tư hiện nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) mang tính hợp tác chiến lược nhiều hơn là thôn tính.
Đặc biệt, thị trường M&A của Việt Nam sẽ có "bệ đỡ" khi lần đầu tiên trong lịch sử 3 luật quan trọng là Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư sửa đổi sẽ đồng loạt có hiệu lực từ 1-1-2021.
Theo ông Hiếu, đây là ba luật tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh cũng như hoạt động M&A.
"Một trong những điểm đặc biệt quan trọng là luật sẽ đưa vào khái niệm, tạm gọi là “gói ưu đãi đặc biệt” dành riêng cho từng loại dự án và nhà đầu tư. "Gói ưu đãi đặc biệt" được giới hạn trong những lĩnh vực có hoạt động nghiên cứu phát triển, lĩnh vực đổi mới sáng tạo và dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Những dự án đáp ứng các điều kiện này sẽ nhận được ưu đãi hơn bình thường, tạo ra các cơ hội mới, nâng cấp quyền lợi cho người mua nhờ loại bỏ những điều kiện bất hợp lý", ông Hiếu thông tin.
Theo ông Masataka "Sam" Yoshida, giám đốc toàn cầu mảng dịch vụ xuyên quốc gia - RECOF Corporation, từ trước đến nay thị trường Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản. Việc Việt Nam đạt được số lượng giao dịch cao nhất từ trước đến nay với 33 thương vụ với nhà đầu tư Nhật trong năm 2019 là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm này. Con số này gấp 1,5 lần so với năm trước đó.
"Dù hoạt động M&A ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước tính đến tháng 10, chủ yếu là do các hạn chế nhập cảnh ở hầu hết các quốc gia. Nhưng các doanh nghiệp Nhật vẫn đang hướng về Việt Nam trong quá trình tìm kiếm, mở rộng thị trường, tận dụng dân số trẻ", ông Masataka "Sam" Yoshida khẳng định.
Theo dự kiến, hoạt động M&A của thị trường Việt Nam trong năm 2020 dự kiến suy giảm, với giá trị năm 2020 ước đạt 3,5 tỉ USD, bằng 48,6% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á khi giá trị M&A trên toàn cầu tính đã suy giảm 52%.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ.
Theo dự báo, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022, về mức 4,5 - 5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022.
"Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Trần Quốc Phương tin tưởng.
Đối xử công bằng với nhà đầu tư ngoại
Tại diễn đàn, đại diện Bộ Kế hoạch & đầu tư cho biết Luật Đầu tư về phương thức đối tác công tư (PPP) có nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, bao gồm hoạt động M&A.
Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách hạn chế.
Xem thêm: mth.13044516142110202-pahn-pas-nab-aum-gnam-ut-uad-ahn-ohc-teib-cad-iad-uu-iog-oc-es/nv.ertiout