'Gói ưu đãi đặc biệt' để thu hút nhà đầu tư M&A
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Ba bộ luật cùng có hiệu lực vào đầu năm tới sẽ hỗ trợ lớn cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nói riêng và đầu tư nói chung, trong đó có "gói ưu đãi đặc biệt" dành riêng cho từng loại dự án, nhà đầu tư cũng như nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư.
Các chuyên gia, nhà tư vấn, nhà đầu tư,...thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2020. Ảnh: Hùng Lê |
Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện Diễn đàn M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức chiều 24-11, cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm và xu hướng thị trường M&A thời gian tới.
Chính sách thu hút và bảo vệ quyền lợi trong M&A
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), điểm mới hỗ trợ cho hoạt động M&A nói riêng và đầu tư nói chung gồm 3 bộ luật quan trọng thường xuyên tác động trực tiếp là Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Sự thay đổi trong 3 bộ luật quan trọng này và thời hạn thay đổi vào đầu năm 2021 dự kiến tác động tích cực cho M&A và thu hút đầu tư, tạo ra các cơ hội mới cũng như nâng cấp mức bảo vệ người mua.
Trong đó, theo ông Hiếu, có 3 điểm quan trọng tác động tích cực tới hoạt động M&A. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp nâng cao sự bảo vệ người mua, sự an toàn của người mua, ngôn ngữ của luật là nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư là người mua trong các thương vụ M&A.
Đơn cử, quyền cổ đông/nhóm cổ đông như đề cử vào HĐQT, triệu tập họp ĐHCĐ, theo quy định hiện hành phải sở hữu 10% cổ phần trở lên và liên tục trong 6 tháng. Theo ông Hiếu, quy định này lâu nay đã ngăn cản hoạt động M&A, bởi ngay khi họ mua cổ phần thì 6 tháng sau mới vào để tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả công ty. "Đây là thời gian quá dài và không hợp lý", ông Hiếu nói.
Những điều bất hợp lý này theo người đại diện CIEM, sẽ được bãi bỏ trong Luật mới, đưa quy định tỷ lệ sở hữu 10% thì giảm còn 5% và bãi bỏ quy định thời gian 6 tháng.
Với Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán, suốt bao nhiêu năm tại diễn đàn M&A đã được thảo luận nhiều là điều kiện đầu tư nói chung và hạn chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM chia sẻ thông tin về ba bộ luật trong đó có gói ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư. Ảnh: Lê Toàn |
Theo quy định Luật Đầu tư, Chính phủ cam kết thực hiện nghiêm chỉnh việc ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ, những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư, hạn chế đầu tư (quy định rõ hạn chế gì, hình thức, quyền, sở hữu…).
Để hỗ trợ việc dó, ông Hiếu cho biết Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán có những quy định rõ ràng về giới hạn sở hữu nước ngoài. Tuy không mới, nhưng rõ hơn rất nhiều, chẳng hạn như cái gì cấm thì không được làm, quy định theo điều ước quốc tế thì tuân thủ điều ước, cái gì quy định của Việt Nam thì theo quy định Việt Nam.
Cái doanh nghiệp chờ đợi nhất là danh mục cũng có được rõ ràng. Không thuộc những điều đã nêu thì không giới hạn sở hữu nước ngoài.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, Luật Đầu tư mới còn là cơ hội cho hoạt động M&A nói riêng. Có những điểm thay đổi chính yếu, cụ thể là luật mới bổ sung thêm lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trong đó có những lĩnh vực sản xuất hàng hóa cung cấp dịch vụ để tham gia chuỗi giá trị cho các ngành, hay lĩnh vực giáo dục có bổ sung giáo dục đại học, y tế bổ sung thêm trang thiết bị y tế…
Tuy nhiên, điều đáng chú ý và được ông Hiếu đánh giá là khá quan trọng là lần đầu tiên có khái niệm gói ưu đãi đặc biệt dành riêng cho từng loại dự án, từng nhà đầu tư. Trong đó, giới hạn 3 lĩnh vực, gồm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và ngành nghề có quy mô ưu đãi đầu tư vốn lớn. Ưu đãi đặc biệt là Chính Phủ có thể quyết mức ưu đãi hơn bình thường.
"Gói này có một số điểm lưu ý như giới hạn trong lĩnh vực gồm nghiên cứu - phát triển (R&D), ngành có quy mô vốn đầu tư lớn và đổi mới sáng tạo”, ông Hiếu thông tin và khẳng định, mức ưu đãi đặc biệt ở đây là Chính Phủ có thể quyết mức ưu đãi hơn bình thường.
Sự thay đổi trong 3 bộ luật quan trọng nói trên và thời hạn thay đổi vào đầu năm 2021 dự kiến tác động tích cực cho M&A, tạo ra các cơ hội mới cũng như nâng cấp mức bảo vệ người mua, nhà đầu tư.
Con đường ngắn để nhà đầu tư thâm nhập thị trường Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ thông qua những bộ luật đã được thông qua.
Theo ông Phương, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.
Các nhà đầu tư trao đổi ở bê lề diễn đàn sau giờ giải lao. Ảnh: Hùng Lê |
“Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin và đánh giá, đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên.
Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại,…, ông Phương chia sẻ.
Ngoài ra, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã được thành lập để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Trong những năm qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp...
M&A cũng là con đường ngắn nhất để các công ty nước ngoài có thể thâm nhập, mở rộng thị trường Việt Nam với hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.
Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỉ đô la trong hơn một thập kỷ qua.
Những kết quả và thành công mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016-2019 và năm 2020 khi cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tại diễn đàn, hầu hết các chuyên gia, nhà đầu tư đều đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng là thị trường M&A đáng chú ý khi dịch được kiểm soát.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần có nhiều quy định bảo vệ nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ M&A bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới. Và để thành công trong M&A, bên bán là các doanh nghiệp trong nước cần định giá đúng với giá trị thực. Mặt khác, những vấn đề hậu M&A hiện nay khá phức tạp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỉ đô la, bằng 48,6% so với năm 2019.
Mặc dù vậy, theo dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là một trong những thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm.
Xem thêm: lmth.am-ut-uad-ahn-tuh-uht-ed-teib-cad-iad-uu-iog/300113/nv.semitnogiaseht.www