Số liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, tại khu vực phía Nam, Đồng Nai và Bình Dương là địa phương có nguồn cung bất động sản công nghiệp lớn nhất với diện tích lần lượt 10.066 ha và 10.156 ha, tỷ lệ lấp đầy lên đến 99% với giá thuê 98 - 107 USD/m2. Thành phố Hồ Chí Minh nguồn cung 4.703 ha nhưng giá thuê lên đến 147 USD/m2, tỷ lệ lấp đầy lên đến 88%.
Trong khi đó, các khu vực lân cận như Tây Ninh, Vĩnh Long, nguồn cung ít, tỷ lệ lấp đầy chỉ rơi vào khoảng 65-66%, giá cho thuê cũng ở mức độ vừa phải, 83 USD/m2.
Đây là một trong những lý do nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh thành phố không phải là địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp, điển hình như Tây Ninh, Vĩnh Long.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, do trên thực tế, diện tích đất trống tại các khu vực chính như Bình Dương, Đồng Nai đang dần trở nên khan hiếm. Trong khi đó, Tây Ninh, Vĩnh Long không những có quỹ đất lớn mà giá thuê còn rất cạnh tranh và rẻ hơn rất nhiều so với Tp.HCM và Bình Dương, Long An.
Một số công ty đang xem xét các tỉnh cấp 2 thay thế như Tây Ninh và Vĩnh Long và đó là lý do tại sao vào năm nay chứng kiến các thương vụ đầu tư sản xuất lớn vào các địa điểm đó như Jinyu Tire từ Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD vào khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy các khoản đầu tư lớn vào Vĩnh Long.
"Khi các công ty này đầu tư vào những địa phương cấp 2, mặc dù ở xa khu trung tâm hơn, nhưng họ sẽ có cơ hội tăng quy mô nhà máy trong tương lai hoặc các nhà cung cấp của họ có thể kiếm được đất gần họ”, ông John nói.
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký mới ngành sản xuất theo tỉnh 9 tháng năm 2020 Tây Ninh đứng ở vị trí thứ nhất tại khu vực phía Nam, thu hút vốn FDI với tổng giá trị 348,4 triệu USD, vượt lên trên Bình Dương với tổng giá trị 342 triệu USD.
Nói thêm về bất động sản công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia của Savills cho rằng, bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, phân khúc bất động sản Công nghiệp của Việt Nam cũng đang nhận được nhiều lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, cũng như xu hướng dịch chuyển các nhà máy và vốn đầu từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Việc đại dịch Covid-19 kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
“Mô hình Trung Quốc + 1 có thể ngày càng được các nhà sản xuất theo đuổi, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là ‘đứa con cưng’ của ngành bất động sản nói chung, với các nhu cầu ngày càng tăng và hoạt động thị trường vốn gia tăng”, ông John nhấn mạnh.
Các chuyên gia của Savills cũng tin tưởng rằng chiến lược “Trung Quốc +1” chắc chắn sẽ có hiệu quả trong thời gian tới khi nhiều tập đoàn đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm. Điều này sẽ tăng cường việc cố gắng theo đuổi để sở hữu bất động sản công nghiệp nói chung tại các khu kinh tế trọng điểm.
Xem thêm: mth.80715811142110202-meid-mat-hnaht-mos-gnol-hniv-hnin-yat-peihgn-gnoc-nas-gnod-tab/nv.ymonocenv