- Hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng chào đón hội nghị AMMTC14
- Việt Nam sẵn sàng tổ chức thành công Hội nghị AMMTC 14
Cơ chế hợp tác bao trùm, nòng cốt
Thành lập trên cơ sở Tuyên bố Manila năm 1997 về tội phạm xuyên quốc gia, hội nghị AMMTC, với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách vấn đề tội phạm xuyên quốc gia của mỗi thành viên ASEAN, là cơ chế hoạch định chính sách cao nhất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác ngăn ngừa và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia tại khu vực. Giúp việc trực tiếp cho AMMTC là Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC). Đây là sự kiện được tổ chức trước, có vai trò thực hiện các chính sách và kế hoạch thông qua tại AMMTC và báo cáo kết quả tại AMMTC trong năm tương ứng.
Sau hơn hai thập kỷ hoạt động, cơ chế AMMTC được đổi mới liên tục để phù hợp với tình hình hợp tác phòng, chống tội phạm ở khu vực. Ban đầu hội nghị AMMTC diễn ra chỉ với sự góp mặt của các quốc gia thành viên ASEAN. Từ năm 2004, hội nghị được bổ sung thêm định dạng “+3” để mở rộng đối thoại giữa các nước ASEAN và ba đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Từ năm 2017, thay vì tổ chức sau mỗi hai năm, các hội nghị AMMTC được tổ chức luân phiên thường niên giữa các nước ASEAN hoặc tổ chức bất thường trên cơ sở nhất trí để giải quyết các vấn đề khẩn cấp về tội phạm xuyên quốc gia, đòi hỏi ASEAN phải hành động khẩn trương. Kết quả mỗi cuộc họp đều được báo cáo lên Hội nghị cấp cao ASEAN thông qua Cộng đồng chính trị - an ninh.
Cùng thời điểm đó, các nước thành viên cũng nhất trí bổ sung 3 loại hình tội phạm mới vào danh sách ưu tiên của AMMTC, nâng số loại hình tội phạm được ASEAN tập trung ưu tiên nguồn lực đấu tranh, phòng chống lên 10 loại, gồm: tội phạm khủng bố, mua bán người, đưa người di cư trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, cướp biển, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã.
Trên thực tế, thông qua cơ chế hợp tác tại AMMTC, các nước thành viên có điều kiện thuận lợi để thảo luận và cùng phối hợp trong lĩnh vực thi hành pháp luật, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ. Đây là cơ hội để các bên trao đổi thông tin, tình hình, xu hướng tội phạm và tăng cường mở các chiến dịch điều tra chung, triệt phá các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. AMMTC cũng là dịp để các bên hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo khuôn khổ cho hợp tác phòng, chống tội phạm của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lực lượng Cảnh sát cơ động diễn tập phòng chống khủng bố. Ảnh minh họa: CTV |
Giới chuyên gia nhìn nhận, với AMMTC, ASEAN đã xây dựng được một cơ chế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia khá hoàn chỉnh với hệ thống các văn kiện pháp lý, trong đó có những văn kiện có hiệu lực ràng buộc và một số văn kiện mang tính khuyến nghị và các thiết chế với sự phân định rõ ràng và cụ thể về chức năng. Điều này đã đóng góp một vai trò không nhỏ đối với ASEAN trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia mang tính chất phức tạp và lâu dài.
Tờ TheAseanPost bình luận, nhờ những đồng thuận đạt được tại AMMTC, các nước ASEAN cũng đã thống nhất được nhiều nội dung về hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong các vấn đề hình sự và dẫn độ liên quan đến sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, phù hợp với luật pháp các nước.
Trong bài đăng khác trên The Diplomat, chuyên gia Prashanth Parameswaran đánh giá, AMMTC đã mở ra một cánh cửa hợp tác mới tại Đông Nam Á, nơi đang phải đối mặt với một loạt thách thức từ khủng bố đến tội phạm mạng. Theo ông, các nước ASEAN đã cho thấy sự đoàn kết trong nỗ lực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó đã thông qua nhiều sáng kiến để tăng cường hiệu quả hợp tác, ví dụ như việc triệu tập Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng ASEAN về gia tăng bạo lực và bạo lực cực đoan (SAMMRRVE) – một diễn đàn mới để các quốc gia thành viên trao đổi kinh nghiệm, quan điểm về chủ đề “nóng” này.
Hài hòa lợi ích, đóng góp tích cực
Chính thức tham gia vào cơ chế AMMTC từ 2003, đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, được đánh giá cao trong lĩnh vực hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực.
Mặt khác, thông qua AMMTC, lực lượng Công an Việt Nam xác định rõ được nhu cầu hợp tác để ứng phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia một cách hiệu quả và kịp thời, từ đó làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, lực lượng Công an đã tập trung tạo dựng một vành đai an ninh, ngăn chặn các hoạt động chống phá từ bên ngoài; thúc đẩy đối thoại, phối hợp lập trường với các nước thành viên nhằm tháo gỡ các thách thức mới nổi từ sớm.
Cán bộ, chiến sĩ Công an bắt giữ các đối tượng, tịch thu nhiều tang vật trong một vụ án ma túy. |
Thời gian qua, các cơ quan thuộc Bộ Công an Việt Nam đã duy trì việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật tại Đông Nam Á để tiến hành xác minh, điều tra và truy bắt các băng nhóm và đối tượng tội phạm xuyên quốc gia.
Hằng năm, lực lượng Công an Việt Nam phối hợp cùng cơ quan chức năng của các nước giáp biên mở nhiều chiến dịch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, mua bán người tại các địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới đất liền và cảng biển.
Số liệu thực tế cho thấy, tính từ đầu năm 2019, Bộ Công an Việt Nam đã bắt và bàn giao hơn 550 đối tượng phạm tội nước ngoài cho các nước, trong đó đáng chú ý là nhóm 19 đối tượng người Thái Lan có hành vi sử dụng điện thoại VoIP mạo danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Thái Lan. Tháng 7/2020, lực lượng chức năng Việt Nam đã triệt phá vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia bằng đường biển do một cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu cùng với 27 đối tượng, thu giữ 170kg ma túy.
Trong hoạch định chiến lược hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEAN, Bộ Công an Việt Nam đã thúc đẩy một loạt khuôn khổ, cơ chế phù hợp với tình hình mới, như: hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo khuôn khổ cho hợp tác phòng, chống tội phạm của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại; trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác bảo đảm an ninh trật tự và các lĩnh vực khác cùng quan tâm; thiết lập cơ chế hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp an ninh, trọng tâm là chuyển giao công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất; phối hợp thực hiện và tài trợ cho các dự án trọng điểm, chiến dịch chống tội phạm xuyên quốc gia trong quan hệ song phương và khuôn khổ ASEAN với các đối tác.
Việt Nam cũng chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi, nhằm thúc đẩy hợp tác liên kết nội khối ASEAN cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN. Trong đó, nhiều sáng kiến, ý tưởng của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh khu vực, như: sáng kiến của Việt Nam tổ chức Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về tăng cường hợp tác truy bắt tội phạm truy nã quốc tế, đề xuất của Việt Nam đưa tội phạm buôn lậu cổ vật thành lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế SOMTC và AMMTC.
Tại SOMTC 20 diễn ra vào tháng 9/2020, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục đề xuất các nước ASEAN nghiên cứu, thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC để kịp thời trao đổi thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự của mỗi nước và khu vực.
Với vai trò là chủ nhà của Hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam đã nhấn mạnh cam kết tích cực phối hợp cùng cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu, đe doạ đến hoà bình, an ninh, ổn định khu vực; tiếp tục đồng hành cùng hướng tới một cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ, tự cường, giàu bản sắc, hướng tới nhân dân vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở quốc gia và khu vực.