Gốc bạch tùng cổ thụ nằm trong khu rừng nguyên sinh bị "lâm tặc" đốn hạ -Ảnh: M.VINH
Ngày 25- 11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan về việc khẩn trương điều tra, kịp thời xử lý nghiêm vụ hàng chục cây bạch tùng trăm tuổi tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý).
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng yầu các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã thông tin Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) phát hiện một vụ phá rừng nguyên sinh tại tiểu khu 249 thuộc xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).
Kiểm đếm, đơn vị ghi nhận có 11 cây bạch tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, cưa xẻ thành thành phẩm và mang ra khỏi khu rừng tự nhiên. Trong đó có 7 cây bạch tùng với khối lượng gỗ trên 14 m3. Xung quanh khu vực bạch tùng bị đốn hạ chỉ còn rất ít rừng tự nhiên, diện tích lớn là cà phê trồng trái phép trên đất rừng. Vụ việc bị phát hiện từ ngày 17-11.
Hầu hết gỗ bạch tùng đã đưa ra khỏi rừng, chỉ còn lại ván bìa tại hiện trường - Ảnh: M.V
Đến ngày 20-11 đã phát hiện 1,55 m3 gỗ Bạch tùng cùng chủng loại tại vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà). Đáng chú ý, ông Tuyến là thành viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng ở TK 249, nơi hàng loạt cây cổ thụ vừa bị triệt hạ.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND huyện Lâm Hà tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan do thiếu trách nhiệm, không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn để xảy ra tình trạng phá rừng tại khu vực trên.
Đồng thời, yêu cầu Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp, hỗ trợ Công an huyện Lâm Hà tích cực điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm vụ phá rừng nêu trên. Nếu trong quá trình điều tra phát hiện tổ chức, cá nhân được giao quản lý rừng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, câu kết, bao che để xảy ra vi phạm thì xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa,…
TTO - Nhiều cây bạch tùng cổ thụ có chu vi gốc tương đương 2 vòng tay người lớn ôm bị đốn hạ trong khu rừng nguyên sinh. Sau đó Cơ quan điều tra phát hiện gỗ cùng chủng loại trong nhà tổ trưởng tổ bảo vệ rừng.