Trong số lượng đó, lượng chất thải nguy hại (CTNH) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng rác thải sinh hoạt nhưng chúng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trên thực tế, CTNH vẫn được nhiều hộ gia đình thải bỏ cùng với các chất thải rắn sinh hoạt thông thường. Phần lớn lượng rác này được vận chuyển để chôn lấp hoặc đốt.
Cần hiểu đúng về rác thải nguy hại
Theo ThS Đỗ Hoàng Oanh (Sở TN-MT TP.HCM), CTNH trong gia đình là các vật liệu có thể nổ, có độc tính, có tính ăn mòn hoặc gây phản ứng hóa học. Một số thí dụ phổ biến như sơn, thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật), dầu nhớt, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, chất tẩy rửa, pin, dung môi, axít/kiềm. Mọi người có thể bị phơi nhiễm (tiếp xúc trực tiếp, hít vào hoặc nuốt phải) với những chất độc trong khi sử dụng. Do đó, mỗi người trong chúng ta cần xử lý cẩn thận để tránh tự làm mình bị nhiễm độc, hoặc gây tổn hại đến môi trường bằng một số cách sau: Giữ CTNH trong bao bì nguyên thủy của chúng; để các loại CTNH xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi; không để các loại rác thải này gần nhiệt và mang tới các địa điểm thu gom được phép lưu trữ và xử lý.
Phân loại, thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình sẽ đem lại rất nhiều lợi ích
Các sản phẩm như chất tẩy rửa trong nhà tắm, dung môi, thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật), dầu nhớt, sơn, dung môi pha loãng sơn, thuốc uống theo toa bác sĩ… đều chứa các hóa chất nguy hại đến sức khỏe con người nếu chúng không được sử dụng, lưu trữ, hoặc thải bỏ đúng cách. Ngoài ra, những sản phẩm gia dụng như bột giặt, thuốc đánh bóng nền nhà, sơn, các chất tẩy rửa kiếng, gỗ, kim lọai, lò nướng, toilet… cũng chứa những hóa chất nguy hại như amôniắc, axít sunfuríc, axít phốtphoríc… Những hành vi đơn giản như giặt thảm, rửa chén hoặc sơn tường… đồng nghĩa với việc chúng ta đang tiếp xúc với các sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe.
Mặc khác, như chúng ta đã biết, pin được sử dụng rất phổ biến, chúng có mặt trong nhiều thiết bị gần gũi trong cuộc sống con người như xe hơi, máy tính, laptop, radio, máy nghe nhạc MP3, điện thoại, đồng hồ… Không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi và vai trò quan trọng của pin. Nhưng nếu xét về mặt môi trường, việc thải bỏ pin không đúng cách sẽ là mối nguy hại rất lớn. Pin được làm từ nhiều loại hóa chất khác nhau tạo thành năng lượng để hoạt động thiết bị. Vì vậy chúng rất độc hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm nước, ảnh hưởng đến cuộc sống tự nhiên.
Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, việc bảo vệ môi trường đang ngày càng trở nên cấp bách. Mỗi cá nhân cũng cần có những hành động để góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế, có rất nhiều hành động nhỏ, thói quen giúp bảo vệ môi trường đơn giản chỉ cần mỗi chúng ta thay đổi là có thể góp phần tích cực để giúp môi trường xanh sạch hơn.
Theo đó, để hạn chế được việc thải bỏ các CTNH trong gia đình, bạn cần lựa chọn sử dụng các sản phẩm có chứa ít chất độc hại nhất đang có trên thị trường, nếu phải mua một sản phẩm có chứa chất độc hại, chỉ mua đủ dùng. Hãy đọc kỹ nhãn mác để đảm bảo rằng sản phẩm sẽ đáp ứng yêu cầu của bạn trước khi mua nó, khi đã mua, cần tuân thủ theo các hướng dẫn về sử dụng an toàn, thông gió và tồn trữ. Không nên sử dụng nhiều hơn mức được hướng dẫn sử dụng. Sử dụng một lượng dư chỉ sẽ mang lại nhiều mối nguy hơn cho bạn và môi trường.
Ngoài ra, mỗi người cần tìm hiểu, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường như thực phẩm, các sản phẩm có thể sử dụng lại nhiều lần, được làm từ các chất liệu tái chế, hoặc có thời gian phân hủy trong tự nhiên ngắn để thay thế đồ nhựa. Đặc biệt, bạn cũng có thể tái chế bất cứ khi nào có thể bởi cách làm này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường.
Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề không chỉ bởi các khu công nghiệp, khí thải mà còn từ chính vật dụng mà con người đang sử dụng hằng ngày. Vì thế, hãy cùng hướng đến một lối sống mới: “sống xanh” với các sản phẩm thân thiện môi trường để góp phần bảo vệ không gian sống của mỗi chúng ta. (tổng hợp)