Sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng
Chiều 25/11, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Phúc, SN 1997, trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2020 Phúc bắt đầu sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Để thực hiện ý đồ của mình, Phúc lên mạng mua 2 tài khoản ngân hàng của một người không rõ nhân thân lai lịch và sim rác rồi gọi điện cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đang được giúp đỡ, tự giới thiệu mình là nhà hảo tâm muốn ủng hộ tiền.
Sau đó, Phúc gửi tin nhắn kèm địa chỉ đường link dẫn đến trang web (do Phúc tạo ra) như Weebly.com, Jweb.vn có giao diện chuyển, nhận tiền của ngân hàng cho các bị hại.
Khi các bị hại nhập vào trang web mà Phúc gửi, tất cả các thông tin sẽ được tự động gửi về địa chỉ email của Phúc.
Từ đó, Phúc sẽ sử dụng các thông tin có được để truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân, rồi chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng khác của mình để chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn trên, ngày 20/10/2020, Phúc chiếm đoạt 100 triệu đồng tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình chị Lê Thị Thu Thảo, 25 tuổi, trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có chồng tử nạn trong vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Không riêng gì gia đình chị Thảo, theo cáo trạng Phúc đã chiếm đoạt của 22 người bị hại khác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng số tiền hơn 520 triệu đồng.
Hiện, 22 bị hại bị Phúc chiếm đoạt số tiền này đã được cơ quan công an xác định rõ tên tuổi, địa chỉ. Đáng nói, tất cả các nạn nhân đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, bị ung thư, tai nạn giao thông...
Tổng cộng, bị cáo Phúc đã chiếm đoạt của 23 người bị hại với tổng số tiền hơn 620 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, Phúc đã trả lại cho gia đình chị Thảo 100 triệu đồng.
Ngoài ra, bị cáo Phúc còn khai nhận đã chiếm đoạt của nhiều người khác với số tiền gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện cơ quan điều tra chưa xác định được người bị hại nên tách ra thành vụ án khác để tiếp tục xác minh, xử lý sau.
Có mặt tại phiên tòa, chị Lê Thị Thu Thảo chia sẻ: "Tôi ôm con 3 tháng tuổi cùng mẹ vượt hơn 100km đến tham dự phiên tòa. Tôi chỉ mong muốn chủ tọa phiên tòa xét xử nghiêm minh để trừng trị kẻ nhẫn tâm lừa đảo số tiền của gia đình được hỗ trợ".
Sự ân hận muộn màng
Tại phiên tòa, bị cáo Phúc liên tục cúi mặt và tỏ ra mất bình tĩnh, nhiều lần rơi nước mắt. Trong quá trình trả lời các câu hỏi của HĐXX, chủ tọa phiên tòa liên tục động viên bị cáo bình tĩnh.
Phúc khai, đã lên mạng Facebook mua các ví điện tử, tài khoản ngân hàng mang tên người khác. Đồng thời, bị cáo tự học cách thiết kế website mang giao diện chuyển, nhận tiền giống của ngân hàng.
Mỗi lần biết số điện thoại các nạn nhân, Phúc liền gọi nói muốn gửi tiền ủng hộ và nhắn đường link các trang Web do mình tạo ra qua tin nhắn. Khi các nạn nhân nhập thông tin vào Web, mọi thông tin sẽ tự động chuyển về email của Phúc.
Lúc này, Phúc sử dụng các thông tin có được, truy cập vào tài khoản của nạn nhân để rút tiền.
Phúc khai thêm, mỗi lần có thông tin ngân hàng của các nạn nhân, bị cáo thường sử dụng phần mềm chuyển giọng nói từ nam sang nữ, giả danh là vợ mình để trò chuyện, làm các nạn nhân mất tập trung, đồng thời tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi, bị cáo suy nghĩ như thế nào về việc các bị hại có hoàn cảnh rất khó khăn, có người trong tài khoản chỉ có 2 triệu đồng nhưng đang phải nằm viện, phải trả viện phí, ăn uống thì Phúc trả lời "bị cáo biết tội rồi".
Không chỉ vậy, bị cáo Phúc cho rằng mình bị cán bộ điều tra mớn cung, nhục hình bắt nhận thêm 1 tài khoản lừa đảo mang tên Phạm Văn Thế Vũ, không phải là tài khoản của bị cáo.
Được chỉ định bào chữa cho bị cáo, luật sư Bùi Quang Tuấn, đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông tranh luận, trong quá trình điều tra, bị cáo Phúc thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo chỉ nhận mình dùng 1 tài khoản ngân hàng mang tên Tô Thị Mỹ Hiệp để lừa đảo nhưng bị mớm cung, nhục hình bắt nhận thêm 1 tài khoản mang tên Phạm Văn Thế Vũ.
Trong khi đó, số tiền lừa đảo qua tài khoản mang tên Hiệp chỉ 182 triệu đồng, còn lại là tài khoản Vũ. Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong quá trình điều tra, đại diện VKSND và luật sư đã tham gia vào quá trình lấy lời khai, không có việc dùng nhục hình. Do đó, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc từ 15 đến 16 năm tù.
HĐXX nhận định, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại tòa, có đủ căn cứ khẳng định bị cáo Phúc sử dụng 2 tài khoản trên để lừa đảo.
Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc 15 năm tù về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho 22 nạn nhân khác hơn 520 triệu đồng.
Khánh Ngọc