Những người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Mỹ đang thúc giục Tổng thống đắc cử Joe Biden gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga thêm 5 năm nữa.
Theo đó, Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ (ACA), Câu lạc bộ môi trường Sierra, tổ chức phi lợi nhuận có tên Hội đồng Vì một Thế giới sống được (LCW) và Giáo hội Giám lý Liên hiệp (UMC) đã cùng gửi một bức thư đến ông Biden hôm 19-11.
"Giống như những hành động mạnh mẽ cần thiết để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, chính quyền Mỹ cần một quyết định thông minh và táo bạo để có thể giảm mối đe dọa về một thảm họa hạt nhân" - những tổ chức này chia sẻ.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin (phải) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp tại Moscow vào ngày 10-3-2011. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Channel News Asia (CNA), sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2021, ông Biden sẽ phải đối mặt với quyết định có nên gia hạn Hiệp ước New START hay không.
Nếu không gia hạn, hiệp ước sẽ hết hạn trong 16 ngày sau đó, đồng nghĩa với việc Washington và Moscow có thể triển khai không giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của mình.
Nhiều chuyên gia lo ngại sự sụp đổ của Hiệp ước New START có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, làm gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ-Nga vốn đã tồi tệ hơn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991.
"Việc kéo dài New START thêm 5 năm sẽ cho phép các bên có thêm thời gian cần thiết để đàm phán về một thỏa thuận tiếp theo" - Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí độc lập Daryl Kimball nhận định.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã từ chối bình luận về bức thư mà ACA, Câu lạc bộ môi trường Sierra, LCW và UMC cùng gửi lên.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin bắt tay cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Moscow vào ngày 10-3-2011. Ảnh: REUTERS
Một số chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng ông Biden chỉ nên gia hạn Hiệp ước New START thêm 1-2 năm, để có thể duy trì đòn bẩy đối với chính quyền Moscow, CNA đưa tin.
“Đã có một cuộc tranh luận giữa một số cố vấn về việc liệu gia hạn Hiệp ước New START thêm 5 năm có phải là bước đi đúng đắn hay chỉ nên gia hạn trong một vài năm sẽ hợp lý hơn” - Trợ lý đặc biệt về kiểm soát vũ khí và hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân Jon Wolfsthal tiết lộ.
Hiệp ước New START chính thức có hiệu lực từ năm 2011, có thể được gia hạn tối đa 5 năm, với sự đồng ý của cả hai bên. Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu cũng đã tìm cách để có thể gia hạn Hiệp ước New START vô điều kiện.
Nội dung của New START quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược hiện có và hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.