Nguyễn Thị Hòa, tân sinh viên ngành Luật kinh tế Đại học Ngân hàng TP.HCM - Ảnh: BÌNH MINH
Hòa bị mẹ bỏ rơi khi chỉ 6 tháng tuổi - thời điểm một đứa trẻ cần nhất sự thương yêu và chăm sóc qua từng hơi ấm, từng dòng sữa. Người cha đi làm xa rồi lấy vợ hai, Hòa có thêm một em gái.
Mái nhà của ông bà nội
Không may, năm Hòa lên 4 tuổi, cha qua đời vì bệnh, để lại hai chị em Hòa cho ông bà nội chăm sóc. Những năm tháng sống cùng ông bà, Hòa bữa đói bữa no nhưng đầy ắp sự chở che và dạy dỗ. Ký ức của Hòa về căn nhà ông bà nằm trong một thôn nhỏ ở tỉnh Bình Phước đong đầy hình ảnh người bà quanh quẩn trồng rau, nuôi gà, cái dáng cao gầy của người ông dù đã trên 70 tuổi vẫn miệt mài với công việc thợ xây kiếm kế sinh nhai.
Toàn bộ sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào đồng lương thương binh và sức lao động của ông nội. Những bữa cơm đơn sơ, hai người già và hai đứa cháu nhỏ cứ thế nương nhau sống qua ngày. Hòa chưa một lần có dịp gặp gỡ mẹ hay nhà bên ngoại nhưng Hòa chia sẻ bằng nỗi yêu thương: "Mình nghĩ mẹ có lý do, có những khó khăn riêng của mẹ".
Ba tháng trước khi Hòa thi tốt nghiệp THPT, bà nội Hòa qua đời do tuổi cao, sức yếu. Chưa đầy một tháng sau, tai nạn giao thông lại tước đi sinh mạng một người bác mà Hòa yêu quý. Hòa buồn, buồn lắm. Nhưng người ngã quỵ thật sự là ông nội. Ngày Hòa cầm trong tay giấy báo trúng tuyển đại học, cũng là lúc ông nội - sau nỗi đau mất vợ, mất con - hay tin mình bị ung thư trực tràng.
Cho đến bây giờ, Hòa nói trong nước mắt rằng điều khiến bạn hối hận nhất chính là không dành thời gian đủ nhiều cho ông bà. Giờ đây, khi bà không còn nữa, ông lâm bệnh nặng, Hòa cảm thấy chênh vênh. Điều duy nhất khiến Hòa biết mình nhất định phải tiếp tục bước đi, chính là sự kỳ vọng to lớn mà ông nội đặt vào mình.
Tìm nhiều cách để có thu nhập
Hòa là một cô gái rắn rỏi, ẩn sau vẻ ngoài nhỏ bé và nhu mì. Cô nói nhiều lúc chỉ muốn khóc thật to nhưng bản thân không cho phép mình yếu lòng đến thế.
"Mình biết rằng hiện tại mình là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để ông vượt qua bệnh tật, càng nghĩ đến ông càng dặn mình phải mạnh mẽ hơn nữa. Ông chính là động lực để mình vượt qua tất cả", Hòa chia sẻ.
Vậy nhưng, ngoài những ký ức về ông bà nội, còn một điều khác khiến Hòa bật khóc. Nhiều người thân của Hòa đều khuyên Hòa nghỉ học. "Nếu phải nghỉ học, thật sự mình không biết phải làm gì", Hòa chảy nước mắt mỗi khi nhắc đến hai chữ "nghỉ học".
Ý thức được sự túng thiếu của gia đình, Hòa tìm nhiều cách để kiếm thêm thu nhập. Năm cấp III, những ngày được nghỉ học, Hòa đi bóc vỏ lụa và đóng hộp hạt điều. Tiền kiếm được dù chỉ đủ để mua sách vở, quần áo, vẫn khiến Hòa thấy nhẹ lòng hơn khi san sẻ bớt được gánh nặng tài chính cho ông bà. Từ trước đến nay, Hòa luôn nỗ lực học tập, tin rằng chỉ có cách đó mới giúp cô nhanh chóng đền đáp lại công ơn nuôi dưỡng của ông.
"Giờ ông ngã bệnh, mình suy nghĩ rất nhiều, thậm chí cả việc đi học nghề, học cao đẳng, hay bảo lưu kết quả để đi làm, kiếm tiền giúp ông chữa bệnh, rồi dành dụm đi học đại học sau. Mình sợ sẽ trở thành gánh nặng của ông vì giờ gia đình không còn lao động chính nào", Hòa nói.
Thấu hiểu sự bơ vơ khi mồ côi
Hòa đi tìm những học bổng có thể giúp cô trang trải chi phí học tập, trong đó có học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Đối với Hòa, con đường đến trường không chỉ là cơ hội dành cho riêng cô, mà còn là bệ phóng để cô có thể giúp đỡ những người khác trong xã hội.
"Sinh ra không có cha mẹ, hơn ai hết mình rất thấu hiểu được cảm giác bơ vơ, tủi thân của các em nhỏ mồ côi. Sau này, mình mong xây dựng được một nơi để các em sống và học tập, và mang nghề luật sư của mình giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù cuộc sống có nhiều thử thách và để theo đuổi được đam mê là rất khó, mình vẫn có niềm tin rằng trong một ngày không xa bản thân sẽ làm được", Hòa nói.
TTO - Gọi đây là 'Mùa tiếp sức đặc biệt' vì không chỉ tân sinh viên, cả thầy trò, nhất là ở vùng lũ cũng kiệt quệ, còn các nhà hảo tâm cũng đang vật lộn với khó khăn vì đại dịch COVID-19. Nhưng dù có khó, tấm lòng vẫn mở rộng...
Xem thêm: mth.84225529062110202-gnol-uey-pehp-ohc-gnohk/nv.ertiout