Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ 5.12, tới đây cụ thể hoá một số điều của Luật quản lý thuế (có hiệu lực từ 1.7.2020) được cho một “hàng rào kỹ thuật” hữu hiệu để truy thu thuế các cá nhân, tổ chức có nguồn thu từ Facebook, Google, Youtube… Tuy nhiên, vẫn có nhiều quy định được các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp cho rằng, chưa phù hợp khi triển khai ở thời điểm hiện nay, nhất là phải đối phó với dịch COVID-19.
Mức thu 75% là quá lớn
Có rất nhiều điểm mới trong Nghị định được đánh giá là điểm sáng và tạo bước đột phá nhưng bên cạnh đó còn có những điểm “nghẽn” mà các chuyên gia, doanh nghiệp, thậm chí giới luật sư tỏ ra e ngại.
Cụ thể, Điều 8 Nghị định 126 đang quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý III đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Về quy định này, một doanh nghiệp (xin được giấu tên) cho rằng, quy định về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chưa phù hợp. Theo phân tích của vị đại diện này thì doanh nghiệp có rủi ro bị chiếm dụng vốn. Đến hết quý III, doanh nghiệp mới có kết quả kinh doanh của 3 quý nên chỉ phát sinh nghĩa vụ nộp thuế đối với kết quả kinh doanh đã đạt được. Tuy nhiên, Nghị định 126 lại yêu cầu doanh nghiệp tạm nộp một phần nghĩa vụ thuế của quý IV, như vậy là không hợp lý.
Hơn nữa, trong môi trường kinh doanh biến động, có thể có trường hợp kết quả kinh doanh trong quý IV không tốt, làm kết quả kinh doanh cả năm thấp hơn kết quả kinh doanh lũy kế đến hết quý III.
Như vậy, kể từ thời điểm 30.10 hàng năm, doanh nghiệp đã nộp thừa thuế và Nghị định 126 hiện tại không có cơ chế để doanh nghiệp nhận lại số thuế tạm nộp đã nộp thừa. Doanh nghiệp phải bù trừ số thuế nộp thừa với các nghĩa vụ thuế của năm sau hoặc chờ 6 tháng không phát sinh nghĩa vụ thuế mới được xin hoàn theo các thủ tục phức tạp.
Ngoài ra, theo vị này quy định không phù hợp với quy trình kinh doanh của doanh nghiệp nên dù có muốn, doanh nghiệp cũng không có cơ sở để tuân thủ quy định. Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30.9), doanh nghiệp còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, hơn thế nữa còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, Tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng, v.v... nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng.
Chưa dừng lại, quy định không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 3 quý đầu, doanh nghiệp đã tạm nộp 75% số thuế TNDN của cả năm. Đến quý IV, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp nên làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ những bất cập như vậy, với nhiều năm kinh nghiệm thực tế vị đại diện cho doanh nghiệp này đề xuất cụ thể: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của 3 quý đầu năm theo quyết toán năm.
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, những doanh nghiệp kinh doanh theo mùa vụ thì họ phải tính toán trong kế hoạch hàng năm của họ. Tất nhiên mức quy định 75% như vậy là cũng chưa phù hợp và cần phải nghiên cứu.
“Thực ra ở đây Nghị định 126 nói về 75% là nói về những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, đều. Dù sao thì cũng phải nghiên cứu thêm để chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý ở một số lĩnh vực, ngành nghề chứ không thể áp như vậy được”, ông Thịnh nói thêm.
Cần lùi thời gian áp dụng
Ngoài ra tại Điều 42 Nghị định 126 quy định hiệu lực thi hành từ ngày 5.12.2020. Về vấn đề này, các ý kiến cho rằng Nghị định 126 được ban hành vào ngày 19.10.2020 và có hiệu lực áp dụng từ 5.12.2020. Tuy nhiên, Nghị định 126 chưa quy định rõ nội dung nào áp dụng cho kỳ tính thuế 2020, nội dung nào áp dụng từ kỳ tính thuế 2021 nên doanh nghiệp không có cơ sở áp dụng.
Quy định về quản lý thuế vốn là một quy định phức tạp và chi tiết, ảnh hưởng lớn đến nghĩa vụ thuế và việc kê khai thuế của doanh nghiệp. Nghị định 126 thậm chí còn đưa ra nhiều nội dung và yêu cầu mới, trong đó một số nội dung còn đang chưa được các doanh nghiệp tán thành. Như vậy, việc ban hành một quy định phức tạp trong bối cảnh thời điểm cuối năm như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp để có thể tìm hiểu và tuân thủ quy định.
“Chúng tôi đề xuất các nội dung liên quan đến khai thuế, tính thuế áp dụng từ kỳ tính thuế 2021 trở đi” - một doanh nghiệp có địa bàn tại Hà Nội chia sẻ.
Xem thêm: odl.923758-uuc-neihgn-nac-poh-uhp-auhc-meid-ioht-ion-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal