Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ
Liên quan đến vụ việc chủ quán bánh xèo tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Thị Ánh Tuyết bạo hành nhân viên trong quán, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, nguyên Phó cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH) nhận định: “Sự việc 2 nhân viên bị bạo hành một cách tàn bạo, dã man như thời trung cổ cho thấy bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang hiện hữu. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực từ truyền thông và giáo dục đến những can thiệp nhưng vấn nạn này vẫn nhức nhối. Gần như là một sự bất lực hay có nguyên nhân nào đó mà các em vẫn bị bạo lực, xâm hại".
Cũng theo ông Nguyễn Trọng An, chính quyền tỉnh Bắc Ninh (trước đây có vụ bạo hành ở Hà Nội-PV) có phải là “ốc đảo” hay không mà không ai biết chuyện này? "Theo tôi, sở dĩ cháu bé bị như vậy đó là sự thờ ơ, vô cảm trước các bạo lực trẻ em. Chủ quán bạo hành cháu bé đã xảy ra trong thời gian dài nhưng Chủ tịch UBND xã – cánh tay nối dài của Chính phủ, Công an – cơ quan bảo vệ pháp luật, Mặt trận Tổ quốc, hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở khu vực đó, tại sao lại không biết?
Tôi xin thẳng thắn nói rằng, sự việc 2 nhân viên bị bạo hành ở quán bánh xèo Miền Trung tại tỉnh Bắc Ninh bộc lộ sự vô trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể về vấn đề bảo vệ trẻ em. Luật Trẻ em 2016 đã quy định rõ có 17 cơ quan, ban ngành chịu trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em. Nhưng, thực tế tình trạng trẻ em bị bạo lực xâm hại vẫn không giảm. Hầu hết các trường hợp phát hiện muộn khi vụ việc đã xảy ra, can thiệp giải quyết thiếu nghiêm minh... Theo đó, cơ quan chịu trách nhiệm chính vẫn là bộ LĐ-TB&XH, trên đó là Ủy ban Quốc gia bảo vệ trẻ em, tiếp đến UBND các cấp của địa phương, các Hội đoàn...", ông An nêu quan điểm.
Còn nhiều lỗ hổng
Nhận định về nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho rằng, đầu tiên đến từ việc giáo dục trong gia đình. Những đối tượng bạo hành trẻ em có thể thiếu sự giáo dục từ những người lớn hơn từ khi còn nhỏ, khi lớn lên trở thành con người thiếu giáo dục. Giáo dục ở đây là gì? Không phải là kiến thức, mà là giáo dục về tình thương con người - đây cũng là một điều cần phải học. Đó là cách đối xử nhân ái, thân thiện và có tình người đối với đồng loại của mình.
Không phải khi nào trong gia đình cũng có sự giáo dục về tình thương như thế, đồng thời giáo dục nhà trường lại tập trung vào kiến thức nhiều hơn là giáo dục đạo đức. Sự thiếu giáo dục này là một lỗ hổng rất lớn, ăn sâu nhiều thế hệ và dẫn tới những trường hợp bạo hành mà dư luận vẫn lên án là “vô nhân tính” hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa trong bảo vệ trẻ em hiện nay rất kém. Sự việc dư luận biết đến chỉ là sau khi đã xảy ra, chúng ta chỉ có thể quan tâm đến việc bù đắp cho những tổn thương của các em nhỏ mà không thể ngăn chặn nó từ trước. "Chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ cộng tác viên, những người sống và làm việc với trẻ em ngay tại cộng đồng, nhờ vậy mới có thể biết được những gia đình có nguy cơ diễn ra bạo hành do cha mẹ ly hôn, người cha hay người mẹ nghiện rượu... để phát hiện, tư vấn và can thiệp từ sớm, không để xảy ra bạo hành", ông An nêu thực trạng.
Ông An cũng cho rằng, vấn đề tiếp theo là pháp luật của chúng ta chưa đủ nghiêm. Thông thường, ta chỉ có thể xử phạt hành chính, còn nếu gây thương tích, thương tổn cho trẻ thì phải từ 11% trở lên, đó là những tổn thương như chảy máu, ảnh hưởng cơ, xương khớp...mới có thể dùng các điều luật.
Trước đó, như Người Đưa Tin Pháp Luật đã phản ánh, tại cơ quan công an, bước đầu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (chủ quán bánh xèo) khai nhận, trước đó do nhân viên D. lười làm, ở bẩn, ăn vụng, chậm chạp, nên có đánh mắng để "răn đe, dạy dỗ". Ngày 21/11/2020, chủ quán phát hiện mất tiền nên nghi ngờ em D. ăn cắp nên T. quát mắng, dọa nạt khiến em D. sợ hãi và bỏ trốn. Nữ chủ quán nói sau đó có đi tìm D. nhưng không thấy.
Tại cơ quan công an, D. khai nhận đang làm thuê cho chủ quán, D. và 1 nhân viên nữa của quán là Võ Văn Đ., 21 tuổi thường xuyên bị chủ quán đánh đập, gây nhiều thương tích trên cơ thể, bắt làm việc nhiều giờ. D. kể sau những lần chửi mắng, từ cuối tháng Mười liên tục bị ông bà chủ đánh ở phía sau quán. Mỗi lần bực tức hoặc thấy em không làm được việc, cô ấy véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng. Có lần D. bị dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng nên đến giờ khắp lưng vẫn còn lỗ chỗ. Ông chủ cũng đánh nhưng không dùng hung khí.
Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bóc lột sức lao động, từ năm 2011 đến nay Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều chính sách, chương trình, hành động. Điển hình như: Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 nhằm phát hiện sớm và can thiệp hỗ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ, trong đó có các trường hợp trẻ em bị ép buộc lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em bị xâm hại tình dục... Bên cạnh đó, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được chú trọng.
Theo thống kê của bộ LĐ-TB&XH năm 2019, tổng số trẻ em toàn quốc là 26,37 triệu, trong đó có tới 1,442 triệu trẻ em bị bóc lột (bao gồm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật). Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập, trong đó năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế.
Hương Lan