Startup trước những yêu cầu cấp thiết sau khủng hoảng Covid-19
Chí Thịnh
(TBKTSG Online) - Cụm từ “trong nguy có cơ” liên tục được các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn… nhắc tới trong hội thảo Shark Tank Forum 2020 diễn ra ngày 26-11 tại TP HCM. Các nhà đầu tư cũng nhấn mạnh thời điểm "vàng" cho những quyết định đầu tư, triển khai dự án khởi nghiệp.
Trong khó khăn, cần startup định giá thực tế
Hiện có nhiều phương án hỗ trợ quảng bá mô hình kinh doanh, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khắc phục khó khăn trong khủng hoảng Covid-19. Ảnh minh họa: ĐVCC |
Yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số
Chia sẻ tại cuộc hội thảo, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư của Quỹ Dragon Capital, cho rằng khi trải qua cuộc khủng hoảng do Covid-19, nền kinh tế cả nước có nhiều cơ hội hồi phục, tăng cường vốn đầu tư và theo đó, doanh nghiệp cũng có cơ hội phát triển kinh doanh. Thực tế đặt ra yêu cầu là các doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội, phát triển sản phẩm mới, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Trần Quang, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) TVHub, cố vấn chiến lược của Shark Tank Forum, cũng nêu nhận định đại dịch đã mở ra cơ hội cho hoạt động kinh doanh trực tuyến (online), dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ các nền tảng (platform) chia sẻ… Để có được cơ hội kinh doanh trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt thời cơ, tận dụng nguồn lực, tối ưu hóa hệ thống kinh doanh bằng các giải pháp số hóa.
Trên thực tế, trong và sau thời gian giãn cách xã hội vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhận ra hình thức làm việc truyền thống đã không còn khả dụng; nên đã lập tức tận dụng các ứng dụng làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, giao dịch trực tuyến… Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển mình, hòa vào công cuộc số hoá.
Việc triển khai hình thức làm việc trực tuyến không chỉ hạn chế lây lan dịch bệnh mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng cường bảo mật, khả năng phục hồi dữ liệu và tăng tính cạnh tranh… Vì vậy, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục số hóa để tối ưu hiệu suất công việc, cũng như đảm bảo an toàn sức khoẻ.
Theo khảo sát của IDC (Trung tâm dữ liệu Internet), trên thế giới có gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo…
Tuy nhiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng chỉ mới chập chững bước vào cuộc chơi chuyển đổi số. Cuộc kKhảo sát gần đây của Bộ Công Thương cho thấy, hiện có 61% doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị tham gia chuyển đổi số.
Startup chủ động tận dụng cơ hội
Tại hội thảo ngày 26-11, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Telecom nêu quan điểm rằng doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro, nhất là trong thời điểm khủng khoảng như đại dịch Covid-19. Do đó, các startup đang có được cơ hội của mình khi mạnh dạn triển khai các dự án khởi nghiệp sau mùa dịch bệnh.
Ông Tiến nhấn mạnh, đây là cơ hội cho startup trong thời khủng hoảng, nó giúp thúc đẩy lợi thế của những startup trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ… sau mùa khủng hoảng Covid-19.
Tại hội thảo, đại diện FPT Telecom cũng lên tiếng mời gọi các startup tham gia cùng FPT Telecom trong hoạt động khởi nghiệp. Bản thân FPT Telecom đang có sẵn hàng triệu khách hàng định danh, môi trường kinh doanh, hạ tầng để chia sẻ, hợp tác cùng với các startup. Ông nêu ra các lĩnh vực mà FPT Telecom mời gọi startup hợp tác như y tế cộng đồng, nền tảng chia sẻ món ăn, hậu cần (logistics).
Nói về tiềm năng phát triển của startup trong nước, ông Nguyễn Mạnh Dũng, đồng sáng lập viên quỹ đầu tư Do Ventures cho biết, các doanh nghiệp đều có thể tận dụng cơ hội phát triển kinh doanh khi chuyển dịch số; doanh nghiệp công nghệ hoặc doanh nghiệp bất kỳ đều có thể phát triển cơ hội kinh doanh dựa trên những nền tảng, hệ sinh thái có sẵn.
Ví dụ như, ngày nay doanh nghiệp không cần phải tự triển khai website hoặc tổ chức kênh bán hàng online, họ hoàn toàn có thể tận dụng các nền tảng bán hàng online để khai thác tập khách hàng phù hợp với sản phẩm của mình.
Các chuyên gia đầu tư cũng cho rằng, thực tế không chỉ có doanh nghiệp công nghệ mới có lợi thế trong thời đại chuyển đổi số; các doanh nghiệp ngoài ngành (non-tech) vẫn có thể triển khai các dự án khởi nghiệp bằng cách tận dụng cơ hội chuyển đổi số hoặc khai thác kinh doanh dựa trên những nền tảng số có sẵn.
Theo báo cáo vào công ty khởi nghiệp Việt Nam năm 2019 và nửa đầu năm 2020 của quỹ đầu tư Do Ventures, Covid-19 đã khiến cho nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt giảm 22%, từ nguồn vốn đầu tư 284 triệu đô la Mỹ vào nửa đầu năm 2019 giảm xuống còn 222 triệu đô la Mỹ vào nửa đầu năm 2020.
Tình trạng suy giảm này đã được dự báo trước khi các biện pháp hạn chế đi lại cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu làm gián đoạn các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, trong mùa dịch Covid-19 vẫn có một số ngành phát triển vượt bậc như sức khoẻ, giáo dục, phân phối bán lẻ, dịch vụ không gian làm việc online…
Xem thêm: lmth.91-divoc-gnaoh-gnuhk-uas-teiht-pac-uac-uey-gnuhn-court-putrats/021113/nv.semitnogiaseht.www