Nguyễn Thị Kim Oanh - Ảnh: Q.L.
Chúng tôi muốn nhắc đến Quang Trọng Minh, tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Mở TP.HCM với 3,46/4 điểm và Nguyễn Thị Kim Oanh, tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sài Gòn với điểm số 9,2/10. Hãy cùng hai tân thủ khoa chia sẻ về hành trình nghiên cứu khoa học của họ.
Được truyền cảm hứng
* Cơ duyên nào dẫn bạn đến với khoa học?
- KIM OANH: Với mình đó là cái duyên sâu nặng lắm, như mối nợ lớn nhất cuộc đời sinh viên. Tôi nhớ đó là ngày cuối đăng ký tham gia khi tôi học năm đầu tiên đại học và tôi gửi đề tài cũng là cuối giờ chiều. Thực lòng lúc đó có biết nghiên cứu khoa học là gì đâu nhưng may mắn khi gặp được những anh chị đi trước hướng dẫn nhiệt tình, tôi đi theo rồi mê luôn.
Tôi phải đặc biệt cảm ơn cô Trương Thiên Hương - giảng viên đã theo sát, chỉ bảo tôi từ ngày chập chững làm quen để đạt được một vài kết quả làm khoa học như hôm nay.
- TRỌNG MINH: Tôi nhớ như in cảm giác được các anh chị nắm tay trong lần đầu tiên đứng chung báo cáo một đề tài nghiên cứu cấp bộ. Chính sự hỗ trợ đó đã dẫn tôi đến với khoa học để ba năm qua tôi gần như sống với không gian khoa học mỗi ngày.
Điều tự hào đó nhân lên khi tôi dần trở thành đàn anh, làm trưởng nhóm và tiếp nối các anh chị nắm tay thế hệ đàn em có cùng đam mê khoa học.
* Thường các bạn sinh viên khá ngại làm nghiên cứu vì nhiều lý do. Điều gì thôi thúc bạn chọn lối đi khó như vậy?
- TRỌNG MINH: Khoa học trong góc nhìn của tôi không chỉ là logic mà còn là mối liên kết cùng nhau một cách tử tế, làm việc nghiêm túc. Tôi may mắn khi được nhiều người hỗ trợ, rồi chứng kiến công việc hằng ngày trong phòng khám của dì tôi đã thôi thúc tôi tìm hiểu, muốn làm điều gì đó có thể giúp người. Và tôi hài lòng với lựa chọn của mình khi tạm khép lại thời sinh viên với một vài kết quả nho nhỏ.
- KIM OANH: Đúng là nhiều bạn ngại, một phần vì còn tự ti cứ nghĩ mình không đủ năng lực, phần khác vì vừa phải học, vừa làm thêm nên khó lòng đủ thời gian. Tôi thích nghiên cứu có lẽ một phần nhờ được truyền cảm hứng từ các anh chị đi trước.
Thêm vào đó là sự tò mò muốn khám phá, muốn được thử sức mình nên cứ bước thôi, khó thì giải từ từ. Tôi cho rằng khi tạo được môi trường nghiên cứu từ chính trong từng lớp, từng trường cũng sẽ tạo động lực lớn giúp sinh viên bắt nhịp với làm khoa học hứng thú hơn.
Quang Trọng Minh - Ảnh: Q.L.
Nghiên cứu như một thói quen
* Dấu ấn đáng nhớ trong thành quả nghiên cứu của bạn đến lúc này là gì?
- KIM OANH: Đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tôi theo đuổi liên quan đến lý thuyết nhiều hơn ứng dụng nên quá trình nghiên cứu để tìm ra tính mới, sáng tạo và ứng dụng, có kết quả rõ ràng là không dễ. Nhưng mỗi lĩnh vực sẽ cho người làm khoa học nguồn tri thức riêng.
Cho đến lúc này tôi có một số giải thưởng, bài báo được công bố nhưng dấu ấn đáng nhớ nhất với tôi chính là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. Dù chỉ là giải khuyến khích nhưng cú hích này tạo động lực lớn, giúp tôi tự tin bắt tay các công trình tiếp theo, tôi tự tin hơn, dám làm và khẳng định bản thân, không e ngại và tự ti nữa.
- TRỌNG MINH: Trong bốn bài báo công bố quốc tế, tôi là tác giả chính một bài, cũng là tác giả chính của một trong hai bài công bố trong nước, còn lại là đồng tác giả. Tôi cũng có hai giải nhì nghiên cứu khoa học cấp bộ cùng một vài giải khác.
Điều mà tôi nhận ra là sau quá trình nghiên cứu, tôi học được rất nhiều, học cả khi nghiên cứu không đạt được kết quả như mình kỳ vọng. Và đã chọn con đường khoa học, hãy coi đó như một thói quen, không phải làm phong trào hay để dự thi, nhận giải thưởng này nọ.
* Hành trình tương lai bạn xác định sẽ theo đuổi như thế nào?
- KIM OANH: Tôi sẽ nhập học cao học trong tháng 12 tới, chuyên ngành du lịch. Tôi sẽ vẫn nghiên cứu về văn hóa tộc người, về tổ chức xã hội, cộng đồng của các tộc người. Tôi đang suy nghĩ đến việc kết hợp, tận dụng mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và du lịch cho hướng nghiên cứu tiếp theo của mình.
- TRỌNG MINH: Cũng như Oanh, tôi sẽ học tiếp. Trước đây tôi nghiên cứu bệnh học phân tử ở người với một số vấn đề liên quan đến ung thư vòm họng, còn hiện tại tôi muốn nghiên cứu về thoái hóa khớp. Vẫn là chuyên về xét nghiệm như lựa chọn ban đầu song tôi muốn thử sức mình trong một nhánh nghiên cứu khác.
Hãy cứ dấn thân!
* Bạn muốn chia sẻ gì về "cột mốc" thủ khoa hôm nay?
- KIM OANH: Tôi dùng từ "biết ơn" khi nghĩ về danh hiệu thủ khoa mình có được hôm nay bởi khi vào trường, tôi chỉ là một sinh viên rất bình thường. Cũng có đôi lúc mệt mỏi nhưng tôi may mắn khi luôn có thầy cô, những anh chị sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ để không gục ngã.
Dĩ nhiên còn nhiều khó khăn phía trước tôi cần vượt qua mà danh hiệu hôm nay để tôi nhìn vào và cố gắng hơn nữa, không làm hao mòn sự nỗ lực, năng lượng trong tôi.
- TRỌNG MINH: Tôi tự thấy mình là kiểu người "cần cù bù thông minh". Nếu ai đó khen tôi giỏi thì phải nói là nhờ khoa học mà tôi được như vậy. Tôi thích sự liêm chính trong khoa học, luôn tự dặn mình dấn thân, cứ bước tới, đừng sợ thất bại, thậm chí ngay cả khi thất bại trong nghiên cứu, mình cũng sẽ học được nhiều bài học, kỹ năng có ích.
TTO - Tốt nghiệp đứng đầu Học viện Ngân hàng, nằm trong tốp 10 sinh viên xuất sắc nhất ĐH Brandeis (Mỹ) và hiện là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Kinh doanh Columbia (Mỹ)… là sơ nét chân dung của bạn Nguyễn Trung Hiếu (26 tuổi, Hà Nội).
Xem thêm: mth.43201051262110202-coh-aohk-mal-em-aohk-uht-gnuhn/nv.ertiout