Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 10 năm 2020, tổng doanh số toàn thị trường xe hơi của doanh nghiệp thuộc hiệp hội chỉ đạt 212.000 chiếc.
Nếu tính cả của hãng xe Thành Công (lắp ráp Hyundai) và hãng xe Việt VinFast, tổng lượng xe bán ra 10 tháng qua chỉ có thể đạt ngưỡng từ 260.000 -270.000 chiếc, giảm hàng chục nghìn chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Xe nhập dùng chiêu "vô hiệu hóa" ưu đãi
Trong 4 tháng kể từ khi thực hiện giảm lệ phí trước bạ đối với xe nội, chỉ có tháng 10, xe trong nước có mức tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, còn các tháng trước đó đều giảm.
Xe hơi trong nước được biệt đãi, nhưng do tổng cầu thị trường giảm nên chính sách chỉ có vai trò hỗ trợ, không tạo khác biệt
Cụ thể, doanh số bán xe trong tháng 10/2020 đạt hơn 33.200 chiếc, tăng hơn 4.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các tháng 9, doanh số chỉ đạt 27.200 chiếc, giảm hơn 500 chiếc, tháng 8 có doanh số hơn 20.000 chiếc, giảm gần 1.000 chiếc và tháng 7 doanh số chỉ đạt 24.000 chiếc, giảm hơn 2.600 chiêc so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, có thể nói chính sách giảm 50% phí trước bạ đã phát huy vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường, song không giúp người tiêu dùng tăng mua đột biến ô tô, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang ảnh hưởng lâu dài bởi dịch bệnh.
Hiện các lĩnh vực như giao thông hàng không, du lịch vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Các hoạt động du lịch ở địa phương như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đều trầm lắng. Hàng loạt doanh nghiệp, người kinh doanh dịch vụ ăn theo như nhà hàng dừng hoạt động, hoạt động không hết công suất khiến nhiều người bị mất doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ, trong đó có ô tô.
Bên cạnh tác động của COVID-19 đến nền kinh tế, theo đánh giá của các doanh nghiệp ô tô, sức mua xe trong nước không tăng đột biến khi phí trước bạ giảm 50% cũng bởi do rất nhiều hãng xe nhập đã dùng chiêu giảm giá tương đương với việc xe trong nước được giảm phí trước bạ.
Điều này làm xóa nhòa khoảng cách và lợi thế của xe trong nước đối với xe nhập khẩu, trong bối cảnh nhiều người Việt vẫn sính ngoại, thích mua xe nhập hơn xe trong nước vì họ tin xe nhập tốt hơn.
Các hãng xe nhập không chịu đứng yên một chỗ để "chịu trận" xe sản xuất, lắp ráp trong nước
Đơn cử như một chiếc Ford Everest hiện được bán đại lý giảm từ 60 - 120 triệu đồng, tương đương với mức giảm phí trước bạ ưu đãi của các mẫu xe 7 chỗ như Fortuner hay Kia Sorento lắp ráp trong nước có được.
Việc xóa nhòa khoảng cách, lợi thế ưu đãi phí trước bạ của xe nọi địa cho thấy các hãng xe nhập hoàn toàn có khả năng giảm giá, tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận để cạnh tranh với xe trong nước, làm cho chính sách ưu đãi phí trước bạ không có quá nhiều hiệu quả.
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, một yếu tố khiến nhiều người mua xe không vui chính là giá tính phí trước bạ của nhiều mẫu xe hiện nay vẫn niêm yết ở mức giá cao. Điều này đồng nghĩa, người mua phải bỏ ra nhiều tiền hơn để đóng các nghĩa vụ về thuế phí. Trong khi đó, hợp đồng mua bán xe hơi giữa người mua và đại lý bán xe không được công nhận để làm giá tính phí.
Chờ loạt chính sách dài hạn cho ngành xe
Theo báo cáo mới gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết việc giảm 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 6/2020 đến nay khiến ngân sách mất thu khoảng 3.700 tỷ đồng. Mức giảm thu trong bối cảnh cách nguồn thu của nhiều loại thuế, phí khác đều được miễn, giảm đã và đang tác động lớn đối với cân đối ngân sách.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ không kéo dài Nghị định 70/2020/NĐ-CP về ưu đãi phí trước bạ mà trước đó có một số cơ quan, đơn vị có đề xuất gia hạn thêm.
Để giảm giá xe trong nước, hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng và xây dựng ngành xe hơi phát triển, Việt Nam phải có chính sách thuế thiết thực, tầm nhìn dài hạn hơn.
Thực tế, trong thời gian đưa ra lấy ý kiến, đến khi phê duyệt và thực hiện ưu đãi 50% phí trước bạ đối với xe hơi trong nước, nhiều tổ chức đã có kiến nghị điều này có thể tạo nên sự phân biệt đối xử trong chính sách giữa xe nhập và xe sản xuất, lắp ráp trong nước, các ý kiến phần lớn đến từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, EU.
Hiện Việt Nam đã ban hành Nghị định số 57/2020 về biểu thuế ưu đãi đối với nhập khẩu hàng hóa và linh kiện, trong đó có giảm, miễn hoàn toàn đối với linh kiện, cụm linh kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cho doanh nghiệp ô tô, hoặc phụ trợ ô tô tại Việt Nam.
Đây được xem là chính sách đúng và trúng nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc giảm giá xe trong nước. Chính sách này được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá tích cực hơn, lâu dài và căn cơ so với các giải pháp trước mắt của giảm phí trước bạ.
Bên cạnh đó, trong năm 2020 và 2021, Chính phủ đốc thúc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu trình giải pháp giảm, tiến đến xóa bỏ Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi tại Việt Nam.
Điều kiện để cắt giảm là các dòng xe nhỏ, tiêu hao nhiên liệu thấp, xe xanh, thân thiện môi trường và đặc biệt có tỷ lệ nội địa hóa cao. Đây là chính sách tốt, mở đường cho doanh nghiệp để họ hướng đến sản xuất những dòng xe xanh hơn, sạch hơn, đúng năng lực và thị hiếu của người dân Việt Nam.
VTV.vn - Sau khi báo chí thông tin về việc có hay không việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn giảm phí trước bạ đối với xe trong nước đến tháng 6/2021, Bộ Tài chính đã phản hồi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!