Bà Nguyễn Thị Huyền - CEO Công ty Quế hồi Việt Nam - cho rằng đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại nội tại của mình - Ảnh: NAM TRẦN
"Quan trọng nhất là làm sao chọn được chiến lược chuyển đường khi tất cả khách hàng, các ngành nghề như du lịch, vận tải bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19, khi nhiều công ty lớn phải đóng cửa ở Việt Nam. Phải nhìn ra, trong thách thức đó lại có những ngành phát triển rất nhanh như ngành dược, công nghệ thông tin" - Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập và điều hành JobHop Asia, doanh nhân Việt lọt Top 30 Under 30 Asia năm 2019 của Forbes, chỉ ra.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, JobHop Asia tận dụng thành công cơ hội, đến nay đã gọi vốn thành công với 3,1 triệu USD.
Chọn lọc khách hàng, chuyển đổi mô hình kinh doanh
Theo ông Kevin, các nước lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, khi đó các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhìn đến cơ hội ở Việt Nam, tuyển thêm nhân sự cho hoạt động kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Do đó, cần tập trung vào thị trường, chọn lọc khách hàng, nhà đầu tư và quan trọng nhất là thay đổi mô hình kinh doanh.
"Thay vì bơm tiền để thu hút khách hàng mới, phải tập trung chăm sóc khách hàng đã có, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Phải tính ngược chứ không tính sự phát triển nhanh ra sao, không thể phát triển nhanh như những kế hoạch trước dịch COVID-19. Với doanh nghiệp start-up nhỏ dưới quy mô 100 người sẽ chuyển mình rất nhanh. Trong dịch, chúng tôi không cắt giảm nhân sự mà còn tăng nhân sự" - ông nói.
Trước thách thức đại dịch, ông Kevin kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ban ngành hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các start-up với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đồng thời tạo điều kiện, môi trường để họ làm việc thuận lợi hơn.
Bà Nguyễn Thị Huyền - CEO Công ty Quế hồi Việt Nam - cho rằng dịch COVID-19 là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại nội tại của mình, tìm ra điểm mạnh - điểm yếu, là thời gian để tiếp cận công nghệ số, áp dụng chuyển đổi số vào hình thức quản lý doanh nghiệp, kinh doanh. "Song thách thức đặt ra là vấn đề xuất khẩu, bởi khách hàng ở châu Âu, Mỹ chịu tác động lớn do đại dịch, tình hình kinh doanh của họ cũng bị ảnh hưởng, hình thức thanh toán chậm hơn, nguồn tiền về cũng gặp khó khăn. Do đó, doanh nghiệp phải sẵn sàng hỗ trợ khách hàng trong đại dịch, giúp họ vượt qua và tiếp tục mua hàng của mình" - bà Huyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Tập đoàn Yeah1 - cho rằng quan trọng nhất là vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Dịch ảnh hưởng khốc liệt, nhưng mỗi doanh nghiệp phải tìm ra chiến lược riêng. "Một số doanh nghiệp cố thủ hoặc cắt lỗ hay đưa vào giai đoạn ngủ đông luôn. Nhưng chúng tôi có chiến lược "trong nguy có cơ". Khi chạy đua, hai người cùng chạy thì rất khó tạo ra khoảng cách lớn, song đối thủ dừng lại mà bạn chạy thì khoảng cách tạo ra sẽ rất lớn. Chiến lược thế nào, sản phẩm gì, nguồn lực ra sao để bứt phá? Doanh nghiệp phải bình tĩnh để tạo ra giá trị đột phá" - ông Tống góp ý.
Đào tạo nhân sự phù hợp đổi mới sáng tạo
Việt Nam được đánh giá là quốc gia chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số nền kinh tế trên thế giới. Thực tế, chuyển đổi số đã, đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho khởi nghiệp. "Tuy nhiên làm sao để thích ứng nhanh với chuyển đổi số, trong khi nguồn nhân lực chưa chuẩn bị được chu đáo, còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đủ tiếp cận công nghệ cao?" - bà Huyền đặt câu hỏi.
Theo bà, doanh nghiệp phải chuyển đổi dần dần - từng phần - ưu tiên. Cụ thể, một mặt tuyển thêm nhân sự đủ trình độ công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, đồng thời ưu tiên phần mềm, công nghệ nào cần nhất để triển khai. Bà Huyền kiến nghị Chính phủ cung cấp thông tin, đánh giá về sự thay đổi trình độ nhân sự phù hợp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong 5 năm gần đây. Cùng với đó, thông tin về mục tiêu đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nhanh, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận, tìm ra phương pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho rằng thanh niên khởi nghiệp, start-up phải nắm bắt cơ hội, tạo ra sự khác biệt trước nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số. "Yếu tố tiên quyết đầu tiên là nội tại từng thanh niên, phải sẵn sàng, sẵn sàng về kiến thức, năng lực, tâm thế, bản lĩnh, chủ động nắm bắt" - ông Tống chia sẻ.
Học xong, ở lại hay về?
11 năm học tập ở nước ngoài, tiến sĩ Trần Lê Hưng - Đại học Cầu đường Paris (Pháp) - chia sẻ: "Học xong, ở lại hay về là câu hỏi mà năm nào cũng được du học sinh chúng tôi đưa ra tranh luận trên các diễn đàn. Du học sinh, dù ở đâu cũng mong muốn trở về đóng góp cho quê hương. Song khi trở về, họ lại gặp phải những rào cản như tiền lương, khó khăn trong di chuyển, mất rất nhiều thời gian để hòa nhập lại".
Du học sinh là đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng làm thế nào để thu hút, tận dụng tốt nguồn nhân lực này tránh "chảy máu chất xám". Tiến sĩ Trần Lê Hưng kiến nghị có thể thành lập một đơn vị hỗ trợ du học sinh về nước, hỗ trợ ban đầu về đi lại, nhà ở để du học sinh an tâm học tập, sinh sống và làm việc.
Lực lượng nghiên cứu AI người Việt Nam rất mỏng
PGS.TS Trần Minh Triết phát biểu tại ngày hội ngày 27-11 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là nhận định của TS Bùi Hải Hưng - viện trưởng Viện VinAI Research - tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam năm 2020, lần đầu tiên được tổ chức ở TP.HCM ngày 27-11.
Một trong những trở ngại trong việc cải thiện tình trạng "lực lượng mỏng" được ông Hưng đưa ra là các bạn trẻ dù tài năng và thông minh vẫn chưa có môi trường để thể hiện và bệ phóng để phát huy. Theo ông, bốn vấn đề cần chú trọng khi phát triển AI: nhân sự đảm bảo số lượng và chất lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu vững mạnh; thế hệ trẻ luôn được đào tạo chuyên về AI tiếp nối; nghiên cứu và ứng dụng được kết nối, tạo ra được sản phẩm.
PGS.TS Trần Minh Triết - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục - đào tạo khi đầu tư phát triển nền kinh tế trí thức. Theo ông, đào tạo về AI cần được quan tâm không chỉ với các học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn với các bạn trẻ đã tốt nghiệp đi làm. Từ đó, các bạn có thể tham gia ứng dụng AI dựa trên những kỹ năng, kinh nghiệm trong từng lĩnh vực mình đang đảm nhiệm cho công việc và cuộc sống.
Theo ông Triết, đào tạo về AI không dừng lại trong nhà trường, mà còn mở rộng trong xã hội, giúp các bạn trẻ tiếp cận những vùng tri thức mới, những kỹ năng cần thiết để vận dụng AI. Ông Triết nói thêm: "Liên kết được nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau là quan trọng bởi AI được sử dụng như một công cụ, chỉ phát huy được công dụng khi có sự kết hợp với những kiến thức chuyên môn các lĩnh vực khác".
TTO - Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 3-2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng 24 điểm so với quý trước. Đây là số điểm BCI cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Xem thêm: mth.5284318082110202-gnoud-neyuhc-coul-neihc-nohc/nv.ertiout