vĐồng tin tức tài chính 365

Phần mềm máy tính - bảo vệ bằng bản quyền hay bằng sáng chế?

2020-11-28 11:59

Phần mềm máy tính - bảo vệ bằng bản quyền hay bằng sáng chế?

Lê Thị Thiên Hương

(TBKTSG) - Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và ngày càng dựa trên sức mạnh sáng tạo, để có thể bảo vệ và khai thác thương mại một cách hiệu quả phần mềm máy tính, cũng như để tránh rơi vào các trường hợp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm máy tính cần hiểu rõ cơ chế pháp lý áp dụng cho loại hình tài sản trí tuệ này.

Từ vài năm gần đây, ngành phần mềm máy tính đã có những phát triển vượt bậc và hiện nay đã trở thành một trong những ngành thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể, theo thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), năm 2020, doanh thu ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã tăng gấp 180 lần sau gần hai thập kỷ, mang về nguồn thu khoảng 9 tỉ đô la Mỹ/năm.

Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này, đặc biệt là các startup, do còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm, vẫn còn khá loay hoay với câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nào cho phần mềm - bản quyền hay bằng sáng chế?

Thực ra, câu hỏi này cũng là chủ đề tranh cãi ở các nước phát triển từ nhiều năm trước đây. Khi chương trình máy tính ra đời, khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, các nhà làm luật quốc gia và cả quốc tế phải đối mặt với câu hỏi dùng chuyên ngành nào của luật SHTT để bảo vệ hình thức sáng tạo mới mẻ này.

Cuộc tranh cãi quyết liệt giữa phe “bản quyền” và phe “bằng sáng chế” kéo dài dai dẳng. Kết cục là luật bản quyền được chọn để bảo vệ phần mềm máy tính, nhưng luật về bằng sáng chế cũng không hẳn bị loại trừ.

Hệ quả là, trong khi công nhận phần mềm máy tính là “tác phẩm” được bảo vệ bởi luật bản quyền thì trong một số trường hợp, bằng sáng chế, cũng giống như “con ngựa thành Troy” phá vỡ cấu trúc cân bằng của ngành SHTT, vốn đã đặt ranh giới rất rõ giữa các tác phẩm văn học nghệ thuật với các sáng chế mang tính kỹ thuật và ứng dụng công nghiệp.

Mã nguồn, mã máy được bảo vệ bởi luật bản quyền

Nhìn chung, bằng sáng chế thường được coi là “hấp dẫn” hơn quyền tác giả, vì được cấp bằng sáng chế đồng nghĩa với việc có khả năng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp...

Đầu tiêu, cần nhấn mạnh rằng, ở mức độ quốc gia cũng như mức độ quốc tế, thì chương trình máy tính có thể được bảo vệ bởi luật bản quyền đối với mã nguồn (code source) và mã máy (object code).

Điều 10.1 của Thỏa thuận TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) quy định rất rõ ràng rằng các chương trình máy tính “dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971)”.

Hiển nhiên, luật của các nước thành viên WTO phải phù hợp với quy tắc này. Đơn cử như luật Việt Nam, khoản 1 điều 22 Luật SHTT cũng quy định rằng “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”.

Ở một số nước như Việt Nam hay ở Mỹ, nơi có tồn tại thủ tục đăng ký bản quyền, thì tác giả hay chủ sở hữu phần mềm máy tính có thể đăng ký quyền tác giả cho mã nguồn hay mã máy có tính “sáng tạo” và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngược lại, ở nhiều nước khác, đặc biệt  ở châu Âu, thì lại không có thủ tục đăng ký bản quyền nào cả, vì trên nguyên tắc các “tác phẩm” này được luật về quyền tác giả bảo vệ một cách tự động. Chỉ khi nào có tranh chấp, thì bằng chứng sáng tạo mới cần phải đưa ra để giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền.

Bằng sáng chế có thể được cấp trong trường hợp nào?

Kết quả của quy định này là mã nguồn và mã máy vì thế hiển nhiên không thể nằm trong phạm vi được cấp bằng sáng chế. Vậy bằng sáng chế có thể cấp trong trường hợp nào cho phần mềm máy tính? Có thể khẳng định rằng, nếu đáp ứng được một số tiêu chí cụ thể, bằng sáng chế cũng có thể nằm trong “tầm ngắm” đối với phần mềm. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, luật của các quốc gia không hẳn là giống nhau trong vấn đề này.

Ở châu Âu, Cơ quan về bằng sáng chế châu Âu (EPO) quy định rằng mã nguồn của phần mềm không thể được đăng ký bằng sáng chế. Tuy nhiên, những “chức năng” của phần mềm, khi được vận hành nhờ vào một phương tiện kỹ thuật cụ thể (máy tính hay mạng), thì có thể được cấp bằng sáng chế. Cơ quan này thường nhấn mạnh vào khía cạnh “giải pháp” cho một “vấn đề kỹ thuật” để quyết định cấp hay không cấp bằng sáng chế cho phần mềm.

Vì thế, những phần mềm liên quan tới lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiếp thị thường bị từ chối cấp bằng sáng chế. Ngược lại, các sản phẩm như quy trình sản xuất công nghiệp điều khiển bằng phần mềm máy tính, quy trình nén hình ảnh bằng phần mềm và nhiều quy trình kỹ thuật khác vận hành bằng phần mềm từng được cơ quan này cấp bằng sáng chế. 

Ở Mỹ, Cơ quan về bằng sáng chế và nhãn hiệu (USPTO) trước đây có quan điểm khá “thoáng” so với EPO. Cơ quan này thường không sử dụng tiêu chí “giải pháp kỹ thuật” như EPO, mà kiểm tra xem yêu cầu bảo hộ trong đơn đăng ký có liên quan tới việc thực hiện một ý tưởng “trừu tượng” hay không (ví dụ như nguyên tắc kinh tế, phương pháp kinh doanh, công thức hay khái niệm toán học) để bác bỏ đơn cấp bằng sáng chế.

Tuy thế, đối với USPTO, cho dù phần mềm nhắm tới việc thực hiện một “ý tưởng trừu tượng” nhưng lại có “ứng dụng thực tiễn” cụ thể, thì phần mềm đó cũng có thể được cấp bằng sáng chế. Vì thế, trong một thời gian dài, khá nhiều phần mềm trong các lĩnh vực như tài chính, kinh tế cũng được cấp bằng sáng chế ở Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ khi Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ khả năng cấp bằng sáng chế cho một phần mềm liên quan tới việc giảm thiểu rủi ro tài chính (năm 2014, trong vụ Alice Corporation Pty. Ltd. v. CLS Bank International), USPTO đã siết chặt hơn việc cấp bằng sáng chế đối với những phần mềm tương tự. Hiện nay, USPTO thường dễ cấp bằng sáng chế cho những phần mềm nâng cao tính năng của máy tính như nâng cao tốc độ hay mức độ đảm bảo an ninh chẳng hạn.

Ngược lại với chiều hướng siết chặt của Mỹ, Nhật Bản lại đang trở nên dễ dàng hơn trong lĩnh vực bằng sáng chế đối với phần mềm. Nếu như trước đây đất nước công nghệ này chỉ cấp bằng sáng chế cho những sáng tạo kết hợp phần mềm cùng phần cứng, thì gần đây luật về bằng sáng chế của Nhật Bản đã được sửa đổi để công nhận rằng phần mềm có thể là đối tượng được cấp bằng sáng chế.

Ở Việt Nam, khả năng cấp bằng sáng chế cho phần mềm không được quy định trong Luật SHTT, nhưng theo Cục SHTT thì “Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế” (theo quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31-3-2010 của Cục trưởng Cục SHTT do Cục SHTT Việt Nam ban hành). Giải pháp này được coi là khá hợp lý và phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ hiện nay.

Nhìn chung, bằng sáng chế thường được coi là “hấp dẫn” hơn quyền tác giả, vì được cấp bằng sáng chế đồng nghĩa với việc có khả năng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Vì thế doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm cũng cần nắm rõ những tiêu chí bảo vệ phần mềm bằng cơ chế “ngoại lệ” này, để không bỏ lỡ cơ hội được cấp bằng sáng chế.

Xem thêm: lmth.ehc-gnas-gnab-yah-neyuq-nab-gnab-ev-oab--hnit-yam-mem-nahp/420113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phần mềm máy tính - bảo vệ bằng bản quyền hay bằng sáng chế?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools