Dự báo về bất động sản (BĐS) trong Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID-19” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 29-20 tại hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng giám đốc Tập đoàn địa ốc Thắng Lợi cho biết có thể chia thị trường thành bốn giai đoạn.
Giai đoạn 1 đang hiện hữu từ 1-10 đến 17-1 (15 âm lịch tháng chạp) sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại khoảng 5% đến 10%. Giai đoạn 2 từ 18-1 đến 15-2 là giai đoạn nghỉ ngơi khi rơi vào Tết Nguyên Đán.
Giai đoạn 3 từ 16-2 đến 31-3 là giai đoạn tăng trưởng dự đoán khoảng 10-15% khi nhiều khách hàng sẽ chốt chứng khoán để đổ vào BĐS. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại nhưng nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực săn hàng.
Giai đoạn thứ 4 khoảng 120 ngày sau đó (đến giữa năm 2022) thị trường giằng co nhích nhẹ khoảng 5%.
Bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư lâu dài được quan tâm hàng đầu.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh, tuy dịch bệnh kéo dài gây nhiều tổn thất nhưng giá BĐS đều tăng rất nhiều, nhất là các sản phẩm để ở và BĐS vùng ven do quỹ đất không còn.
"BĐS vẫn là một kênh đầu tư an toàn, người dân ưa chuộng nên càng dịch bệnh người dân càng chọn BĐS là kênh trú ẩn, đầu tư dài hạn. Điều này khiến thị trường nhanh chóng hồi phục khi các địa phương nới lỏng giãn cách, đi lại" - đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh đánh giá.
Dự báo thêm về thị trường quý IV/2021, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam cho biết nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý III, không chỉ ở TPHCM mà cả các địa phương lân cận.
Nguồn cung mới trong phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng nhẹ trong quý IV, tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với quý II, III (khoảng 4.000 căn hộ).
Sức mua chung trong quý IV về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý III nhưng vẫn suy giảm so với quý I và cùng kì năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát.
Điểm sáng của quý IV vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn BĐS là kênh đầu tư lâu dài, đa dạng hóa để bảo toàn giá trị tài sản.
Về nguồn cung mới quý IV, toàn bộ khu vực TP.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường.
Trong đó, TP.HCM và Bình Dương dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn tùy điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 (lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng).
Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), BĐS sẽ càng có đà tăng giá.