vĐồng tin tức tài chính 365

Tăng cường giám sát chất lượng hàng nông thủy sản xuất sang Trung Quốc

2020-11-29 10:28

Tăng cường giám sát chất lượng hàng nông thủy sản xuất sang Trung Quốc

T.H

(TBKTSG Online) - Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này một lần nữa khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp xuất hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực thẩm...

Các xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: TTXVN

Trung Quốc xét nghiệm Covid-19 đối với lô hàng xuất khẩu Việt Nam

Liên quan đến thông tin Trung Quốc bắt đầu tiến hành xét nghiệm Covid-19 đối với các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, Hải quan Trung Quốc tuyên bố phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì, mặt trong container, thủy sản và thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia như Đức, Ecuador...

Chính vì vậy, Hải quan Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ tất cả các nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, từ tháng 6-2020 thời điểm Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 tại chợ nông sản, hải sản Tân Phát Địa, thành phố Bắc Kinh, Bộ Công Thương đã nhiều lần phát đi cảnh báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước về việc Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và khuyến nghị các doanh nghiệp tuân thủ các quy định phòng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo thống kê từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), chỉ riêng nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau, quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về càphê... đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với phía Trung Quốc và đề nghị Hải quan Trung Quốc cung cấp thêm bằng chứng khoa học chứng minh khả năng virus SARS-CoV-2 lây từ thực phẩm sang người do đến thời điểm hiện nay (ngày 26-11), Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về khả năng này.

Vì vậy, Bộ Công Thương một lần nữa khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc... đối với hàng nhập khẩu để việc xuất khẩu có thể tiến hành thuận lợi.

Thay đổi phương thức tiếp cận thị trường

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, với mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn.

Mặc dù Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu “dễ tính” nhưng đây vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhất là sau dịch Covid-19 vừa qua.

Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng, độ an toàn, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho biết xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc là tăng kiểm soát truy xuất nguồn gốc và chất lượng, nhất là xuất khẩu nông sản. Do đó, để nông thủy sản, thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu một cách bền vững và chính ngạch sang Trung Quốc cũng như tận dụng được những ưu đãi thì các cơ quan hữu quan cần chủ trì đẩy nhanh đàm phán, mở cửa thị trường hàng nông sản với Trung Quốc.

Trước khi Việt Nam và Trung Quốc chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mọi hoạt động thương mại đều là trao đổi thương mại biên giới và chưa có quy phạm nhất định. Tuy nhiên, khi hai nước trở thành thành viên của WTO và tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), hoạt động thương mại giữa hai bên ngày càng đi vào chính thức hơn.

Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, việc nhập khẩu qua đường cư dân biên giới dẫn đến việc kiểm soát chất lượng không được tốt. Rất nhiều mặt hàng chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nhưng vẫn được xuất khẩu tiểu ngạch.

Điều này dẫn tới tình trạng, có những doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm trao đổi xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch vẫn “không chịu lớn.” Tức là các doanh nghiệp không tổ chức lại sản xuất, không thực hiện công tác quản lý chất lượng theo đúng quy định của nước nhập khẩu, bị phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.

Trong một hội thảo gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn do thách thức do tập quán kinh doanh của nhiều tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp.

Điều này thể hiện qua việc doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới theo hướng tiểu ngạch, dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa nên hàng hóa chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Vì vậy, để khai thác bền vững thị trường Trung Quốc, ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải thay đổi phương thức tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để có thể xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thay vì bị phụ thuộc vào hình thức tiểu ngạch như hiện nay.

Tổng hợp từ TTXVN

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-gnas-taux-nas-yuht-gnon-gnah-gnoul-tahc-tas-maig-gnouc-gnat/391113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tăng cường giám sát chất lượng hàng nông thủy sản xuất sang Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools