vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyển đổi số bao trùm và bền vững

2020-11-29 19:56

Chuyển đổi số bao trùm và bền vững

Khánh Bình

(TBKTSG) - Trong dự thảo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 sẽ được báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có lẽ là quan trọng nhất nên được xếp ở vị trí đầu tiên.

Các chuyên gia Singapore chia sẻ về số hóa tại một hội thảo trực tuyến với TPHCM hồi tháng 9 năm nay. Ảnh. Lê Hoàng

 

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng xem chuyển đổi số là một lựa chọn mang tính chiến lược. Tuy vậy, do mỗi nước có điểm xuất phát khác nhau nên lộ trình của từng nước phụ thuộc vào hiện trạng và các thứ tự ưu tiên của mình.

Hai trụ cột quan trọng của chuyển đổi số là chính phủ số và kinh tế số. Mức độ thành công của chuyển đổi số vì vậy phải căn cứ vào khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp, bất kể yếu tố thu nhập, quy mô, hay vùng miền theo cách tiếp cận từ dưới lên trên (bottom-up).

Đối với chuyển đổi số, Internet là nền tảng cốt lõi nên sự tiện lợi, khả năng tiếp cận, và mức độ sẵn sàng là ba yếu tố quyết định cho sự phát triển của chính phủ số và kinh tế số.

Sự tiện lợi và khả năng tiếp cận

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục tiêu chuyển đổi số của nhiều quốc gia hiện nay là bao trùm (inclusive) và bền vững. Điều này đòi hỏi không chỉ là sự tồn tại của dịch vụ từ phía cung, mà còn là khả năng tiếp cận từ phía cầu.

Ví dụ, một số dịch vụ chỉ có thể có được ở các thành phố lớn, hay chi phí sử dụng dịch vụ vượt quá khả năng của một bộ phận dân chúng thì không thể coi là chuyển đổi số thành công.

Yếu tố tiện lợi được đánh giá qua hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Hạ tầng bao gồm độ bao phủ của hệ thống viễn thông có tích hợp truyền dữ liệu như 3G, 4G hay 5G; hệ thống Internet băng thông rộng hay số điểm truy cập Internet, hệ thống wifi công cộng.

Ngay cả ở một số nước phát triển, các vùng sâu xa hẻo lánh không có sóng điện thoại và Internet thì tối thiểu sẽ được trang bị ở trụ sở chính quyền địa phương trong bán kính gần nhất. Ví dụ, ở Pháp, những người không tiếp cận được hay không biết dùng Internet thì các dịch vụ bắt buộc thực hiện qua Internet sẽ được hướng dẫn, giúp đỡ ở trụ sở phường/xã.

Chất lượng dịch vụ của mạng di động và Internet thì biểu hiện qua sự ổn định của dịch vụ, và chất lượng đường truyền tương ứng với hạ tầng công nghệ đang được vận hành. Chẳng hạn sự cố kết nối bị nghẽn hay gián đoạn, đường truyền trên hợp đồng dịch vụ là tốc độ cao nhưng tốc độ kết nối thực tế thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn là những bằng chứng cho thấy chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo.

Về khả năng tiếp cận, đó chính là giá cả dịch vụ, thiết bị và mức độ cạnh tranh của thị trường cung cấp dịch vụ. Ở các nước đang phát triển, chi phí của người dân hay doanh nghiệp dành cho thiết bị hay kết nối dịch vụ chiếm một phần đáng kể trong thu nhập bình quân.

Chẳng hạn, một người lao động có thu nhập thấp, tham gia vào hệ thống xe ôm công nghệ thì chi phí đầu tư cho điện thoại thông minh và kết nối hàng tháng cũng chiếm một phần đáng kể trong thu nhập. Theo Internet Inclusive Index 2020, chi phí cho 1 GB dữ liệu điện thoại di động ở Việt Nam chiếm gần 3% GNI/người/tháng tức vào khoảng 6,35 đô la Mỹ.

Mức độ cạnh tranh của thị trường cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn nếu thị trường có mức độ tập trung cao vào chỉ có một hay một vài nhà cung cấp thì khả năng giá cả sẽ bị bóp méo do độc quyền hay độc quyền nhóm. Sự cạnh tranh ở đây không chỉ là mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước mà còn là sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực.

Mức độ sẵn sàng

Quá trình chuyển đổi số có đạt được các mục tiêu đặt ra hay không còn phụ thuộc vào yếu tố quan trọng thứ ba là mức độ sẵn sàng của người dân, doanh nghiệp, và chính phủ. Bởi vì sự thay đổi nào cũng có những cản trở như chi phí, thói quen, kiến thức nên người dân hay doanh nghiệp sớm vượt qua được các trở ngại này thì sự tham gia càng nhanh và hiệu quả.

Lấy ví dụ như Chính phủ đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử ngày càng phổ biến nhưng thói quen, hiểu biết về cách sử dụng Internet hiệu quả an toàn vẫn là rào cản đối với không ít người dân và doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số không chỉ là các cam kết và mục tiêu đặt ra, mà là các hành động cụ thể. Trong số các hành động, có thể kể đến như chính sách kinh tế khuyến khích doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, người dân có điều kiện tham gia chuyển đổi số, chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong nước phục vụ các lĩnh vực số hóa, đảm bảo sự an toàn của hệ thống thông tin, dữ liệu, quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ để tăng sự tin cậy của người dân vào các chính sách.

ASEAN hiện nay là một trong các nền kinh tế có chuyển đổi số hết sức mạnh mẽ trên bản đồ thế giới. Trong nhóm này, Việt Nam đang cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Malaysia. Mặc dù Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam cần cải thiện nhanh và mạnh hơn khả năng tiếp cận, sự tiện lợi và mức độ sẵn sàng.

Xem thêm: lmth.gnuv-neb-av-murt-oab-os-iod-neyuhc/120113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyển đổi số bao trùm và bền vững”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools