Chính quyền Bắc Kinh đang tăng tốc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa - Ảnh: AFP
Để theo dõi lượng tiêu thụ đồ nhựa, ví dụ như túi nilông, nhà chức trách Trung Quốc sẽ lập một hệ thống ghi nhận toàn quốc. Đây là một phần trong đề xuất được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 30-11.
Theo đó, nhà hàng, các nền tảng thương mại điện tử và công ty giao hàng sẽ phải báo cáo chính quyền số lượng đồ nhựa dùng một lần đã sử dụng. Những công ty này cũng phải trình kế hoạch tái chế lượng rác thải nhựa đã thải ra.
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc. Theo Hãng tin Reuters, đại dịch COVID-19 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhiều người bị buộc phải ở nhà và chọn mua hàng hóa, nhu yếu phẩm trực tuyến.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm túi nhựa dùng một lần ở các thành phố lớn và ống hút nhựa dùng một lần trên toàn quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc hi vọng sẽ hoàn tất mục tiêu này trước cuối năm nay.
Ông Wang Wang, chủ tịch Hiệp hội nhựa phế liệu Trung Quốc, bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp của chính phủ. Việc Trung Quốc đẩy nhanh các lệnh cấm khiến một số người lo lắng doanh nghiệp khó thích nghi kịp.
Tuy nhiên, theo ông Wang, dù ảnh hưởng tới các doanh nghiệp là có nhưng rất hạn chế, "bởi nhiều người đã liệu trước việc một số sản phẩm nhựa sẽ bị cấm".
Bắc Kinh tỏ ra quyết liệt trong cuộc chiến chống rác thải nhựa sau thời gian dài buông lỏng và chạy theo phát triển kinh tế.
Kể từ tháng 9, một số loại bạt nhựa dùng để giữ ấm và tăng sự phát triển cho cây đã bị cấm sử dụng. Ước tính mỗi năm nông dân Trung Quốc sử dụng tới 1,5 triệu tấn bạt nhựa cho mục đích che phủ cây.
Mới đây nhất, chính phủ Trung Quốc thông báo kể từ đầu năm sau sẽ bắt đầu ngừng nhập khẩu tất cả các loại rác tái chế. Việc Bắc Kinh nói không với rác thải từ các nước phương Tây khiến một số nước ở Đông Nam Á bị vạ lây, trở thành đích đến mới của nhiều loại rác thải từ nước giàu.
Theo các chuyên gia môi trường, mặc dù lệnh cấm dùng đồ nhựa đáng được hoan nghênh, vấn đề quan trọng nhất là năng lực tái chế. Tỉ lệ tái chế rác thải nhựa của Trung Quốc trong năm 2019 chỉ 30%.
"Lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần là tốt cho việc giáo dục và tăng nhận thức của người dân, nhưng nó chỉ là một phần của bức tranh lớn", ông Antoine Grange, giám đốc điều hành tổ chức tái chế SUEZ Asia nói với Reuters.
TTO - Dùng sữa đậu nành hộp giấy trong nhiều năm nhưng bà Hur Ji Hyun (39 tuổi) chưa từng xài đến ống hút nhựa đính kèm theo hộp mà để riêng chúng trong một chiếc hộp cactông.