Sự chao đảo của các thị trường quốc tế
Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp Omicron vào nhóm "biến thể đáng lo ngại", các thị trường tài chính toàn cầu đã lập tức chứng kiến biến động mạnh trong phiên thứ sáu (26/11), vốn thường khá êm ả sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn tại Mỹ.
Phố Wall chứng kiến chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 900 điểm - mức giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi S&P 500 lao dốc 2,3%, lớn nhất kể từ tháng 2.
Chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong vòng 17 tháng. Tại châu Á đà bán tháo trên các thị trường thậm chí đã bị kéo dài sang phiên đầu tuần này.
Tính tổng cộng, hơn 2.000 tỷ USD vốn hóa đã bị quét sạch khỏi thị trường chỉ sau một phiên cuối tuần. Nhóm cổ phiếu chịu thiệt hại nặng nhất, như thường lệ vẫn là những công ty ngành du lịch, kinh doanh du thuyền, hay các hãng hàng không.
Biến thể Omicron làm "bốc hơi" 2000 tỷ USD vốn hóa khỏi các thị trường toàn cầu (Nguồn: CNBC)
Không chỉ chứng khoán, các thị trường hàng hóa cũng chịu áp lực mạnh trong phiên 26/11, đặc biệt là kim loại, vốn đang đối diện nhu cầu sụt giảm do lệnh đóng cửa của nhiều nước châu Âu.
Tại Trung Quốc, giá quặng sắt tại sàn Đại Liên có thời điểm giảm gần 7%, dù sau đó phục hồi nhẹ đầu tuần này; giá thép không gỉ và thép xây dựng đã giảm 2 phiên liên tiếp. Giá đồng, nhôm và nhiều kim loại công nghiệp khác tại sàn London (Anh) cũng đã đi xuống 3-5%.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là vàng đen, với cả hai chỉ số chính là dầu Brent và WTI lao dốc khoảng 10 USD/thùng, tương đương hơn 13% - mức giảm phần trăm theo ngày chưa từng có kể từ cột mốc "giá dầu âm" lịch sử hồi tháng 4/2020.
Đây được xem là tác động gộp của mối lo ngại từ biến thể Omicron, cũng như việc Mỹ và các nước khác đạt thỏa thuận xuất dầu từ kho dự trữ, vốn được dự báo có thể bơm thêm tới 70 triệu thùng dầu ra thị trường.
Mối lo ngại với nhu cầu vận tải quốc tế cũng được đặt ra, sau khi nhiều nước áp đặt hạn chế đi lại với các quốc gia phía Nam châu Phi, thậm chí Nhật Bản và Israel còn tái áp đặt đóng cửa biên giới với hầu hết các quốc gia.
Giá dầu có phiên giảm mạnh nhất kể từ mốc "giá dầu âm" tháng 4 năm ngoái (Nguồn: Marketwatch)
Ở chiều ngược lại, các tài sản trú ẩn đã lập tức "lên ngôi" trước mối lo ngại về biến thể mới. Việc giới đầu tư tích cực mua vào kéo lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống mức dưới 1,5%. Giá vàng thế giới cũng có thời điểm bật tăng 1%, vượt ngưỡng 1800 USD/ounce trong phiên ngày thứ sáu trước khi ổn định lại ở cuối phiên.
Tuy nhiên theo Thời báo New York, nhìn chung thị trường quốc tế bị tác động bởi lo ngại biến thể Omicron ít hơn so với chủng gốc và các biến thể trước đây. Hồi tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 (chủng gốc) bắt đầu lan rộng tại Mỹ, chỉ số S&P 500 mất hơn 3,4% giá trị chỉ trong một phiên, và tiếp tục đà lao dốc trong hơn một tháng sau đó. Trong khi đó với Omicron, thị trường Mỹ và châu Âu đều đã tăng trở lại ngay ở phiên đầu tuần này, trong khi giá dầu cũng bật tăng trở lại khoảng 4%.
Theo một số chuyên gia, thị trường nhìn thấy cơ hội mua vào sau đà bán tháo bị cho là "quá mức" ở phiên ngày thứ sáu. Tuy nhiên theo nhóm phân tích tại hãng đầu tư Bespoke: "Giới đầu tư đang cố gắng hiểu về tác động của biến thể Omicron, nhưng chúng tôi chưa thể đưa ra câu trả lời trong tương lai gần". Citigroup nhận định, có thể cần từ 2-8 tuần để các tác động từ biến thể này được hiểu và phân tích cặn kẽ.
"Ẩn số" Omicron – bài toán khó của các nền kinh tế
Dù những nghiên cứu ban đầu cho thấy mối đe dọa từ Omicron có thể không phải quá lớn, thì sự xuất hiện của biến thể này cũng đã giáng một đòn mạnh lên kỳ vọng hồi phục kinh tế toàn cầu trong năm tới, theo Bloomberg.
Nếu các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn ngừa chủng Omicron được mở rộng, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị tổn hại, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế ở nhiều nơi, ngay ở giai đoạn mùa mua sắm cuối năm.
Theo kịch bản tiêu cực của Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nếu một làn sóng dịch mới bùng phát trở lại vào quý I năm sau. Ngay cả trong kịch bản lạc quan, thì sự xuất hiện của Omicron và các biến thể tiếp theo, sẽ là một cảnh báo thường trực về nguy cơ từ đại dịch, thậm chí trong vài năm tới.
Biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu ngay trong mùa mua sắm cuối năm (Nguồn: CNN)
Biến thể Omicron cũng có thể "ngáng đường" các ngân hàng trung ương đang có kế hoạch thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất trở lại để chống lạm phát.
Thị trường hợp đồng tương lai tại Mỹ hiện cho thấy giới đầu tư "đặt cược" Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất sớm nhất từ tháng 7/2022, muộn hơn một tháng so với kỳ vọng trước đó.
Biến thể Omicron xuất hiện đúng thời điểm Fed đang muốn đẩy nhanh việc giảm chương trình mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương của Anh (BOE) và châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị đưa ra động thái tương tự trong vài tuần tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhìn nhận biến thể Omicron "nhiều nguy cơ" với việc làm và lạm phát (Nguồn: NYT)
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận những lo ngại nói trên, như trong bản nội dung điều trần của ông tại Thượng viện Mỹ tối 30/11: "Làn sóng dịch gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể tạo rủi ro với thị trường việc làm và chuỗi cung ứng, cũng như tăng thêm sự không chắc chắn về vấn đề lạm phát".
Thị trường vàng đen cũng đang theo dõi sát sao những thông tin về biến thể Omicron, đặc biệt khi mà giá dầu đang là "cuộc chiến" giữa nhóm OPEC+ với Mỹ và nhiều nền kinh tế khác. OPEC+ đã vừa phải hoãn một cuộc họp kỹ thuật vào đầu tuần này để có thêm đánh giá chi tiết về biến thể mới.
Từ trước đó, nhóm này đã không mặn mà với việc tăng nhanh sản lượng như lời kêu gọi của Mỹ do lo ngại dư cung, và nay tiếp tục chịu sức ép nhu cầu sụt giảm nếu các tuyến đường bay quốc tế đình trệ bởi biến thể mới.
Thị trường dầu chờ đợi hướng đi của OPEC+ sau sự xuất hiện biến thể Omicron (Nguồn: CNBC)
Khả năng OPEC+ tạm dừng cả kế hoạch tăng sản lượng 400 nghìn thùng/ngày hiện nay cũng đã được tính tới, nhất là khi Mỹ và các nước vừa đạt thỏa thuận mở kho dầu dữ trữ chiến lược. Tuy nhiên đây sẽ có thể được xem như một sự trả đũa trực tiếp trước động thái của Mỹ, và ảnh hưởng tới vai trò của OPEC+ như một "nhà bình ổn thị trường". Với việc giá dầu tăng nhẹ trở lại đầu tuần này, mối lo ngại trên cũng được xem là sẽ lắng dịu.
Chuyên gia Alex Brazier từ bộ phận nghiên cứu quỹ đầu tư số 1 thế giới BlackRock, và là cựu quan chức cấp cao BOE nhìn nhận về tình hình hiện nay: "Biến thể mới sẽ tác động lên thời gian và mức độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương – điều thị trường đang dự báo và lập kế hoạch cho cả năm tới. Câu hỏi chung cho các bên, là nó sẽ trì hoãn sự "tái khởi động" nền kinh tế như thế nào, qua đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong ngắn và dài hạn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.91434427103111202-uac-naot-et-hnik-ohc-oan-nab-hcik-norcimo-eht-neib/et-hnik/nv.vtv