Theo Ban giao thông, nếu TP quyết định tạm thời hoãn thực hiện dự án thì Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hủy dự án phát triển giao thông xanh, nguồn vốn IDA và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại sẽ chấm dứt. Theo đó, TP phải chuẩn bị ngân sách nếu muốn triển khai gói thầu BRT1-CS9 (tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt).
Quan trọng hơn là việc tạm dừng dự án sẽ tác động đến mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM với WB và Chính phủ Thụy Sĩ, đặc biệt là trong việc hình thành các chương trình, dự án hợp tác tương lai.
Bên cạnh đó, việc tạm hoãn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ đầu tư cũng đánh giá việc tạm dừng dự án ảnh hưởng công tác bối thường, tái định cư ở công trình trên địa bàn TP Thủ Đức. Chủ đầu tư phải chấm dứt 12 hợp đồng tư vấn đang thực hiện với các nhà thầu trong nước và quốc tế, đây là công việc tiềm ẩn rủi ro lớn về khiếu kiện, tranh chấp hợp đồng.
Vì vậy, Ban giao thông kiến nghị UBND TP và Sở GTVT xem xét ba phương án.
Phương án 1: TP tiếp tục thực hiện dự án phát triển giao thông xanh với tuyến BRT số 1 cùng các nội dung và nguồn vốn như đã thống nhất với WB và SECO (dự án hỗ trợ kỹ thuật). TP sẽ triển khai giải pháp đồng bộ với quá trình xây dựng tuyến BRT số 1.
Phối cảnh nhà chờ tuyến BRT số 1, TP.HCM. Ảnh THU TRINH
Phương án 2: TP dừng dự án phát triển giao thông xanh và chấm dứt, thanh lý 12 hợp đồng tư vấn quốc tế và trong nước cùng các nội dung liên quan khác. TP sử dụng ngân sách để tiếp tục triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP Thủ Đức, tổ chức lại mạng lưới xe buýt toàn TP.
Phương án 3: TP dừng việc triển khai tuyến BRT số 1 của dự án phát triển giao thông xanh. Theo đó, TP thương thảo với WB và SECO để tiếp tục sử dụng các nguồn vốn IDA và SECO hiện nay của dự án để phát triển mạng lưới xe buýt chất lượng cao.
Theo phương án này, TP đầu tư tuyến xe buýt chất lượng cao từ An Lạc đến Rạch Chiếc và kết nối Bến xe Chợ Lớn, chợ Bến Thành (lộ trình tương tự tuyến BRT số 1); hình thành các tuyến xe buýt nhánh từ Rạch Chiếc đi đến các trung tâm đô thị của TP Thủ Đức.
Với phương án 3, Ban giao thông kiến nghị TP tiếp tục sử dụng các nguồn vốn trên để triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP Thủ Đức, tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt toàn TP (gói thầu BRT1-CS9).
Tuyến BRT số 1 dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dự án đi qua các quận - huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP Thủ Đức. Tuyến cũng xây dựng các hạ tầng kỹ thuật kèm theo như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu cuối, bãi hậu cần, hệ thống quản lý hiện đại... Được biết dự án đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp, dự kiến thi công từ tháng 7-2022 và khai thác cuối năm 2023. |