Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường tài chính lại trải qua một phen hoảng loạn sau khi lãnh đạo của hãng vắc-xin Mỹ Moderna cảnh báo vắc-xin ngừa COVID-19 hiện nay có thể không hiệu quả đối với biến thể Omicron như những biến thể khác. Riêng thị trường tiền tệ còn chịu thêm tác động bởi phát biểu của Chủ tịch Fed về siết chặt chính sách tiền tệ.
Các đồng tiền trú ẩn an toàn, yen Nhật và Franc Thụy Sĩ đồng loạt tăng giá, trong bối cảnh những tài sản rủi ro giảm mạnh do các nhà đầu tư lo lắng về việc Fed đột ngột trở nên ‘diều hâu’ hơn, có thể quyết định những đợt tăng mạnh lãi suất làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế - vừa mới ‘chớm nở’.
Riêng USD, cũng là đồng tiền dự trữ an toàn, nhưng giảm giá trong phiên này sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho rằng lạm phát đã tăng lên và đề xuất bỏ thuật ngữ "tạm thời" khi mô tả về tình trạng giá tăng hiện nay, và cho biết sẽ đẩy nhanh tiến trình Fed giảm mua trái phiếu.
Các nhà phân tích cho biết, bình luận của ông Powell cho thấy sự cấp bách phải thực hiện chính sách tiền tệ nhanh chóng mà thị trường tài chính có thể chưa không chuẩn bị tinh thần.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA ở New York, cho biết: "Nhìn chung, rủi ro đối với triển vọng ngắn hạn tiếp tục tăng", "Fed đã sai lầm về lạm phát. Và bây giờ có vẻ như họ sẽ gấp rút giảm kích thích và nhanh chóng đưa ra các đợt tăng lãi suất. Và nếu áp lực lạm phát vẫn còn, bạn có thể thấy một chu kỳ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến - có thể đe dọa các điều kiện tài chính."
USD kết thúc phiên 30/11 giảm 0,4% so với đồng yên xuống 113,065 yên ; so với đồng franc Thụy Sĩ, USD cũng giảm 0,4% xuống 0,9185 franc.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc tháng 11 cũng giảm 0,3% xuống 95,90. Trước đó chỉ vài giờ, Dollar index còn tăng khá mạnh, trong khi chứng khoán Mỹ giảm sau những nhận xét diều hâu của Powell.
So với đồng đô la Mỹ, đồng euro EUR tăng 0,4% lên 1,1335 đô la, kéo dài chuỗi tăng giá 3 ngày liên tiếp, với mức tăng trong phiên gần dấy nhất là lớn nhất kể từ tháng 12 năm 2020.
Karl Schamotta, trưởng bộ phận chiến lược thị trường thuộc Cambridge Global Payments ở Toronto cho biết: "Các nhà giao dịch đang ở chế độ 'bán trước và đặt câu hỏi sau'.
Những lo lắng về biến thể mới của virus COVID-19 có tên Omicron mới cũng đang tác động mạnh lên thị trường tiền tệ.
Tổng giám đốc điều hành hãng dược Mỹ Moderna, Stephane Bancel, mới đây nhận định mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến thể Omicron khó đạt mức độ như với biến thể Delta. Theo ước tính của ông, có thể mất vài tháng mới có thể phát triển vắc xin hiệu nghiệm trước biến thể Omicron.
"Tôi cho rằng độ hiệu quả sẽ giảm mạnh. Tôi chỉ không biết là bao nhiêu vì chúng ta cần chờ dữ liệu nhưng toàn bộ các nhà khoa học tôi đã liên lạc đều đánh giá rằng chuyện này sẽ không tốt đẹp", ông Bancel nói. Ông Bancel lặp lại những nhận định khác cho rằng số lượng đột biến cao ở vị trí protein gai của virus, bộ phận giúp virus bám vào tế bào để gây nhiễm, có thể giúp virus có khả năng kháng vắc xin và cần chỉnh sửa các vắc xin hiện có.
Chủ tịch Albert Bourla của hãng Pfizer ngày 29/11 cũng cho rằng vắc xin hiện nay có thể giảm hiệu quả đối với biến thể Omicron, theo CNBC. Mặt khác, ông khẳng định tự tin rằng thuốc trị COVID-19 của Pfizer có tên Paxlovid sẽ hiệu quả trước biến thể này.
"Tin tốt là khi nói về liệu pháp điều trị của chúng tôi, nó được thiết kế với thực tế được dự báo là hầu hết những đột biến xuất hiện tại phần gai. Vì vậy điều đó giúp tôi rất tự tin rằng loại thuốc này sẽ không bị ảnh hưởng bởi virus", ông Bourla nói.
Những bình luận của ông Bancel và ông Bourla đã khiến thị trường tài chính thêm một phiên nữa chao đảo trước lo ngại những tác động của virus có thể khiến đại dịch kéo dài.
Thêm vào những lo ngại đó, nhà sản xuất dược phẩm Regeneron Pharmaceuticals hôm 30/11 cho biết hôm phương pháp điều trị bằng kháng thể COVID-19 của họ có thể kém hiệu quả hơn đối với Omicron.
Các cảnh báo trên cho tới thời điểm hiện tại đều củng cố quan điểm rằng nền kinh tế toàn cầu có thể mất nhiều thời gian hơn so với mong đợi của nhiều người để trở lại mức trước đại dịch.
Trước khi Omicron xuất hiện, động lực chính của các động thái tiền tệ là cách các nhà giao dịch cảm nhận các tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu trong việc giảm kích thích kinh tế - đã áp dụng trong suốt giai đoạn đại dịch, nhất là việc tăng lãi suất để nỗ lực chống lại lạm phát gia tăng mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Thị trường tiền điện tử cũng vừa trải qua một phiên đầy biến động, với Ethereum tăng 4,8% lên 4.668 USD, trong khi Bitcoin giảm 0,3% xuống 57.645 USD.
Đáng chú ý, đồng tiền kỹ thuật số Omicron đã tăng giá đột biến ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sử dụng cái tên này để đặt cho biến thể mới của virus gây Covid-19.
Đồng tiền kỹ thuật số Omicron ít được biết đến và giá trị trong vài tuần gần đây tương đối ổn định. Tuy nhiên, mức giá của mỗi đồng Omicron bất ngờ tăng vọt lên thành 700 USD vào ngày 29/11, gấp 10 lần giá trị trước đó.
Giá vàng quay đầu giảm sau khi các nhà đầu tư chú ý đến những phát biểu có vẻ ‘diều hâu’ của Chủ tịch Fed, làm mất đi toàn bộ mức tăng hơn 1% trước đó – có được bởi những lo ngại về virus biến thể Omicron.
Theo đó, giá vàng giao ngay cuối phiên giao dịch giảm 0,7% xuống 1.773,21 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,5% xuống 1.776,5 USD.
Trước đó, lúc đầu phiên này, giá vàng tăng mạnh, 1,3%, sau khi Giám đốc điều hành của Moderna cảnh rằng vắc xin COVID-19 có khả năng kém hiệu quả đối với virus biến thể mới.
Trong bài phát biểu trước trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ thảo luận về việc đẩy nhanh tiến độ mua trái phiếu quy mô lớn tại cuộc họp tiếp theo. Phát biểu của ông Powell đã thúc đẩy USD phục hồi nhẹ.
Tham khảo: Refinitiv
Xem thêm: nhc.35785827010211202-nal-01-pag-tov-gnat-norcimo-net-oc-ut-neid-neit-cod-oal-gnav-av-dsu/nv.fefac