Hôm 30/11, các chuyên gia y tế thông báo Omicron - một biến thể được đánh giá là "tồi tệ nhất từ trước đến nay" với lượng đột biến "nhiều bất thường" đã có mặt ở châu Âu từ vài ngày trước khi ca nhiễm đầu tiên được công bố.
Và với việc số nước ghi nhận ca nhiễm đã lên đến con số 20, giới chuyên gia đang thực sự lo ngại về một tương lai hỗn loạn, nơi Covid một lần nữa đày đọa cả thế giới.
Biến thể Omicron đã đến châu Âu từ rất sớm
Các chuyên gia từ Viện Y tế cộng đồng và Môi trường Hà Lan cho biết những mẫu bệnh phẩm từ ngày 19 - 23/11 - nghĩa là trước thời điểm thông báo về sự tồn tại của Omicron - là các ca dương tính với biến thể mới. Họ lập tức thông báo cho 2 bệnh nhân và tiến hành truy vết để hạn chế sự lây lan.
Với lượng đột biến nhiều bất thường (lên tới 30 đột biến trong gai protein - cấu trúc virus dùng để xâm nhập vào tế bào), biến thể Omicron bị nghi ngờ rằng có khả năng lây lan mạnh hơn rất nhiều so với các biến chủng trước kia. Dù chưa thể chắc chắn và cần thêm dữ liệu, nhưng các bằng chứng có được đang là rất u ám.
Tối ngày 30/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết họ đã lên kế hoạch tăng cường xét nghiệm và sàng lọc người nhập cảnh tại Mỹ, bằng cách yêu cầu toàn bộ hành khách quốc tế phải có chứng chỉ xét nghiệm âm tính trong thời hạn 24h trước lúc hạ cánh.
Hành khách tại sân bay Amsterdam được xét nghiệm Covid-19 sau khi hạ cánh từ Nam Phi
Nhưng điều gây lo ngại là với các quy định hiện tại (cho phép người đã tiêm chủng gia hạn thời gian xét nghiệm đến 3 ngày), sự siết chặt này sẽ là không đủ.
1 ngày sau khi cảnh báo mức rủi ro từ biến thể Omicron là "rất cao", WHO hôm 30/11 cho biết người chưa tiêm chủng trên 60 tuổi, những ai đang có bệnh hoặc mắc bệnh nền "cần phải hạn chế di chuyển". Thủ tướng Hy Lạp thậm chí phải ra yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với người trên 60 tuổi, và những ai chưa tiêm mũi đầu sau ngày 16/1/2022 sẽ phải nộp phạt.
Nam Phi, nơi đầu tiên cảnh báo về biến thể Omicron cho biết số ca nhiễm mới đã tăng từ 300 ca mỗi ngày vào giữa tháng 11 lên gần 3000 ca - một tốc độ nhanh nhất thế giới. Và 2 chuyến bay từ Nam Phi tới Hà Lan hôm 26/11, 61 hành khách đã dương tính với virus, trong đó có 14 ca nhiễm biến thể Omicron.
Quá nhiều lo ngại vẫn chưa thể trả lời
Bên cạnh khả năng lây nhiễm, biến thể Omicron vẫn còn rất nhiều vấn đề mà giới khoa học toàn cầu chưa thể nắm được. Liệu vaccine có còn hoạt động với nó? Các phương pháp chữa trị thì sao? Và khả năng gây triệu chứng nặng thì như thế nào?
Một số chuyên gia cho rằng không nên quá hoảng sợ, khi đến lúc này biến thể Omicron mới chỉ gây ra một số triệu chứng nhẹ. Các bằng chứng ban đầu tại Nam Phi chỉ ra rằng Omicron làm khả năng tái nhiễm của F0 gia tăng, nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu để khẳng định.
"Sẽ mất khoảng 2 - 4 tuần hoặc sớm hơn một chút để biết," - Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Hoa Kỳ nhận định.
Một khung cảnh tại London (Anh Quốc). Nhà chức trách tin rằng số ca nhiễm Omicron trong thời gian tới sẽ gia tăng
Tính đến tối ngày 30/11 (giờ địa phương), Mỹ vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào, dù Canada đã có ca mắc. Dẫu vậy, các chuyên gia tin rằng chỉ là vấn đề về thời gian trước khi Omicron thực sự xuất hiện, và mục tiêu hiện tại là kiểm soát khả năng lây lan của nó.
Cũng trong tối ngày 30/11, Brazil thông báo đã có ca nhiễm biến thể Omicron. Nói cách khác, Omicron đã lan đến toàn bộ các châu lục đông người sinh sống trên thế giới, chỉ trừ châu Nam Cực.
Biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana (châu Phi) vào ngày 11/11. Chỉ sau vài ngày ngắn ngủi, nó lan đến Nam Phi, nhưng sự tồn tại của nó chỉ được thông báo sau đó 2 tuần. Các chuyên gia tại Nam Phi đã giải mã các mẫu bệnh phẩm của Omicron thu được từ ngày 9/11, và nhiều khả năng sẽ phải giải quyết các mẫu xa hơn để khẳng định thời điểm lây lan chính xác của biến thể mới.
Châu Âu hiện tại số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn ở mức thấp - chỉ dưới 100, nhưng nhà chức trách đang chuẩn bị sẵn tâm thế đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới.
Sân bay thành phố Johannesburg (Nam Phi) sau lệnh cấm
"Có khả năng là các ca nhiễm cộng đồng hay không?" - trích lời Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh. "Tôi nghĩ chúng ta cần phải thực tế là hoàn toàn có khả năng đó, giống như những gì đang được chứng kiến tại các nước châu Âu."
Xét trên tổng thể dịch bệnh, các nước châu Âu đang ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần - chiếm phân nửa tổng số của cả thế giới dù có chiến lược tiêm chủng tốt, khả năng chữa trị tiến bộ và số ca tử vong đã giảm so với 1 năm trước. Đức, Hà Lan, Bỉ, Hungary, CH Czech, Slovakia, Đan Mạch và Na-uy đều lập kỷ lục về số ca nhiễm trong tuần qua.
Sự xuất hiện của một biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn cả Delta như Omicron vì thế khiến nhiều nước lo sợ. Anh, châu Âu và nhiều nơi khác đã cấm nhập cảnh đối với người từ Nam Phi và một vài quốc gia lân cận, và yêu cầu cách ly với công dân trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, 2 chuyến bay cập bến Amsterdam hôm 26/11 cho thấy quyết định của họ thực chất là đã chậm trễ.
Nguồn: NY Times