Tập đoàn VSETGroup là doanh nghiệp đầu tiên trong đợt thanh tra mới đây bị phạt 600 triệu đồng. Nguyên nhân là tập đoàn này chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cảnh báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định pháp luật. Theo đó, UBCKNN sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ liên quan tới TPDN của các công ty chứng khoán.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã lập 4 đoàn kiểm tra 10 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, đưa vào "tầm ngắm" những doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhưng tài chính yếu kém.
Tập đoàn VSETGroup là doanh nghiệp đầu tiên trong đợt thanh tra này bị phạt 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, công ty này buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có).
Ngày 30.11.2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 814/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn VSETGroup (địa chỉ trụ sở chính: 107 Cộng Hòa, Phường 12, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam).
Theo đó, công ty này bị phạt tiền 600 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).
Nguyên nhân công ty này bị phạt do có hành vi vi phạm hành chính là: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cụ thể, từ ngày 1.1.2020 đến 27.10.2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn VSETGROUP đã thực hiện chào bán trái phiếu của công ty ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.
Bên cạnh đó, công ty còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm.
Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.