Biến thể Omicron , có tên gọi ban đầu là B.1.1.529, được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 11/11, trong số các nhà ngoại giao nước ngoài đã đến Botswana. Sau đó các nhà khoa học Nam Phi một lần nữa tìm thấy biến thể này tại tỉnh Gauteng ngày 14/11. Nhờ cảnh báo từ châu Phi mà phần còn lại của thế giới luôn trong trạng thái cảnh giác, đồng thời chạy đua để trả lời những câu hỏi quan trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Trong khi giới khoa học bắt đầu nghiên cứu về Omicron để xem liệu nó có lây lan nhanh và gây ra nhiều ca tử vong hơn Delta cũng như có đòi hỏi các loại vaccine mới hay không, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu ngay lập tức phản ứng bằng việc ban hành lệnh cấm đi lại, tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi, Botswana cùng 6 quốc gia lân cận.
Có kinh nghiệm giám sát các bệnh truyền nhiễm
Miền Nam châu Phi được coi là khu vực đi đầu về giám sát dịch Covid-19, phần lớn do nơi đây đã xây dựng các hệ thống tiên tiến để theo dõi những căn bệnh truyền nhiễm và virus đột biến, chẳng hạn như truy tìm và khảo sát nguồn bệnh HIV, Ebola và lao phổi… ngay cả trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện.
Vicky Baillie – nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan nghiên cứu phân tích bệnh truyền nhiễm và vaccine ở Nam Phi cho biết: “Chúng tôi đã có một nền tảng nghiên cứu thực sự vững chắc nhờ các trường đại học cũng như nhiều tổ chức nghiên cứu khác nhau. Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm, vì thế tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có được phản ứng thực sự tốt với Covid-19”.
Trong nhiều thập kỷ, miền Nam châu Phi đã phát triển và xây dựng các hệ thống giám sát, theo dõi những dịch bệnh tiềm ẩn, thông qua việc hợp tác với các nhà tài trợ của chính phủ và tư nhân tại Mỹ, Anh, chẳng hạn như Viện Y tế Quốc gia Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, quỹ nghiên cứu sức khỏe Wellcome Trust của Anh hay Quỹ Bill và Melinda Gates. Sáng kiến Di truyền và Sức khỏe Con người ở Châu Phi (H3Africa) đã phát hiện ra hàng triệu biến thể gen đặc biệt của virus.
Trong những tháng đầu đại dịch, Nam Phi đã thành lập Mạng lưới Giám sát bộ gen ở Nam Phi (NGS-SA). Về mặt kỹ thuật, mạng lưới này giải trình tự gen mẫu virus corona với số lượng ít hơn so với Mỹ, nhưng công việc được thực hiện theo một cách chiến lược hơn, khi lấy mẫu ngẫu nhiên tại tất cả các quốc gia.
Bà Vicky Baillie cho biết: “Chúng tôi chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo để mọi người nhận ra rằng biến thể mới đang âm thầm xuất hiện và lây lan”. Ngay sau cảnh báo của Nam Phi, Canada, Đức và nhiều quốc gia khác trên thế giới thông báo đã ghi nhận ca nhiễm Omicron. Giới chức y tế Hà Lan ngày 30/11 cũng cho biết, biến thể Omicron đã xuất hiện ở nước này một tuần trước khi có chuyến bay ghi nhận các trường hợp dương tính đến từ Nam Phi.
Virus có thể đã xâm nhập vào Nam Phi từ bên ngoài
Vẫn chưa rõ chính xác nguồn gốc của biến thể Omicron. Một số ý kiến cho rằng, biến thể nhiều đột biến gen như vậy thường phát triển từ một vật chủ bị suy giảm miễn dịch – người không có khả năng chống lại virus. Theo suy luận, virus đã tồn tại trong cơ thể vật chủ trong thời gian dài và liên tục thay đổi dẫn tới việc phát sinh nhiều đột biến. Charity Dean - Giám đốc điều hành Công ty Public Health cho rằng: “Nhiều khả năng đây là kết quả của quá trình tiến hóa phân tử liên tục bên trong một vật chủ duy nhất, sau đó lây lan ra cộng đồng”.
“Nhưng tôi nghĩ thật không công bằng khi đổ lỗi cho Nam Phi là nơi khởi phát. Rất có thể Omicron đến từ một quốc gia hoặc lục địa khác. Nam Phi xứng đáng được ghi nhận công lao vì đã phát hiện sớm biến thể mới và chia sẻ một cách công khai, minh bạch tất cả những gì họ biết”.
Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, tiến sỹ Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ đã ca ngợi công lao của Nam Phi. Còn Tổng thống Biden thì cho rằng quốc gia này nên được tín nhiệm vì đã “nhanh chóng thông báo cho thế giới” về biến thể Omicron.
Bất chấp sự đánh giá cao từ các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng như ông Charity Dean, việc nhiều quốc gia ngay lập tức ban hành lệnh cấm đi lại tới miền Nam châu Phi đã khiến nhiều nhà khoa học châu Phi thất vọng.
Lệnh cấm đi lại tạo ra rào cản về chia sẻ dữ liệu
Các chuyên gia cho biết, quyết định nói trên có thể khiến các quốc gia khác ngần ngại chia sẻ thông tin về biến thể mới, cũng như những diễn biến dịch bệnh trong biên giới của họ, vì lo ngại điều này có thể gây bất lợi.
Việc thông báo cho cả thế giới biết về biến thể Omicron đã tạo ra cú sốc lớn và giáng một đòn mạnh mẽ vào nền kinh tế ở miền Nam châu Phi. Đồng nội tệ và thị trường chứng khoán tại Nam Phi đã giảm đáng kể. Việc đi lại quốc tế trong kỳ nghỉ Hè ở khu vực Nam Bán cầu này phần lớn bị đóng băng.
“Chúng ta cần phải xác định mục tiêu của lệnh cấm đi lại này là gì? Liệu có cần thiết phải làm như vậy khi điều đó làm giảm sự sẵn sàng của các nước khi chia sẻ các dữ liệu về dịch bệnh trong tương lai?”, Tiến sĩ Nahid Bhadelia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston, Mỹ nhấn mạnh./.
Hồng Anh
VOV
Xem thêm: nhc.9454329110211202-norcimo-eht-neib-coud-neih-tahp-gnohc-hnahn-ihp-man-od-yl/nv.zibefac