Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại TP Cần Thơ - Ảnh: T.L
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Cần Thơ, toàn TP đã ghi nhận trên 26.529 ca, trong đó có 200 ca tử vong.
Đặc biệt, từ đầu tháng 11 số ca mắc tăng cao, trong những ngày gần đây liên tục ghi nhận ca mắc mới từ 800 đến trên 1.000 ca/ngày. Các ổ dịch tập trung ở khu đông dân cư, lây nhiễm ra cộng đồng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu chế xuất, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây.
Do tình hình diễn biến phức tạp, Cần Thơ liên tục gia tăng cấp độ dịch. Theo đánh giá cấp độ dịch, Cần Thơ đang ở cấp độ 3 (vùng cam), tuy nhiên hiện nay do chưa đạt yêu cầu tối thiểu 80% người (từ 50 tuổi trở lên) được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên TP đang áp dụng cấp độ dịch tương đương cấp độ 4 (vùng đỏ).
Do số ca mắc gia tăng cao, các cơ sở y tế, bệnh viện điều trị COVID-19 quá tải, TP Cần Thơ đang cho cách ly F0 nhẹ không triệu chứng tại nhà, hiện đã có gần 10.000 F0 và trên 9.400 F1 đang được quản lý, cách ly tại nhà.
Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã triển khai chương trình thí điểm điều trị thuốc kháng virus cho người bệnh COVID-19, dự kiến có khoảng 1.900 người bệnh được sử dụng thuốc do Bộ Y tế cấp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm thuốc điều trị COVID-19, hỗ trợ nhân lực và vật tư y tế… để giảm số ca chuyển nặng, giảm quá tải ở các bệnh viện, nhất là hỗ trợ điều trị tăng số giường ICU. Đồng thời hướng dẫn, tập huấn đội ngũ y tế sử dụng thuốc điều trị cho các F0 đang cách ly tại nhà.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP Cần Thơ tăng cường các giải pháp mạnh hơn đảm bảo an toàn cho người bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia điều trị F0.
Ông Sơn đề nghị Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải là "bảo bối" đảm bảo an toàn tuyệt đối, người tiêm đủ vẫn bị nhiễm và có thể lây cho người khác. Vì vậy, quan trọng nhất cần phải làm cho dân hiểu không lơ là 5K, tránh tập trung và giữ khoảng cách, khẩu trang…
Theo ông Sơn, việc điều trị F0 tại nhà cần tạo điều kiện tối đa để người bệnh tiếp cận nhanh các dịch vụ y tế cơ bản. Thúc đẩy nhanh điều trị thí điểm Moltinupiravir để sớm phát gói thuốc cho bệnh nhân đang điều trị tại nhà.
Đối với bệnh nhân chuyển nặng tầng 3, Bộ Y tế sẽ cấp thuốc sớm và ưu tiên tối đa cho TP Cần Thơ. Ngoài ra, trong các thuốc điều trị có loại thuốc kháng viêm, kháng đông trước đó đã được TP.HCM thí điểm cho sử dụng tại nhà, có chỉ định của bác sĩ và đạt hiệu quả cao, TP Cần Thơ có thể nghiên cứu áp dụng ngay.
TTO - Ngày 30-11, Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” chính thức chuyển giao mô hình tình nguyện viên chăm sóc F0 từ xa tại TP Cần Thơ, nhằm hỗ trợ ngành y tế thành phố trong công tác quản lý sức khỏe F0 tại nhà.
Xem thêm: mth.83380429110211202-oht-nac-ohc-91-divoc-irt-ueid-couht-ad-iot-neit-uu-et-y-ob/nv.ertiout