vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ ông Nguyễn Thành Tài và thời điểm xác định thiệt hại vụ án

2021-12-02 07:16

Hôm nay (2-12), TAND Cấp cao tại TP.HCM dự kiến tuyên án vụ bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng đồng phạm sai phạm trong việc giao khu đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1.

Sau hai ngày xử, VKS giữ quan điểm kháng nghị về việc xác định thiệt hại là 2.554 tỉ đồng, tương đương giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm khởi tố vụ án (khi đó Công ty Lavenue đã nộp ngân sách 647 tỉ đồng nên thiệt hại còn 1.927 tỉ đồng).

Trong khi đó, xử sơ thẩm, tòa xác định thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện hành vi sai phạm, tương đương 900 tỉ đồng (trừ đi 647 tỉ đồng các nhà đầu tư đã nộp ngân sách nên thiệt hại còn 252 tỉ đồng).

Vụ ông Nguyễn Thành Tài và thời điểm xác định thiệt hại vụ án - ảnh 1
Ông Nguyễn Thành Tài (ảnh nhỏ) và hiện trạng khu đất hơn 4.000 m2 số 8-12 Lê Duẩn. Ảnh: HOÀNG YẾN

BLHS chưa quy định rõ

BLHS hiện hành không quy định cụ thể về thời điểm xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra trong vụ án hình sự.

Theo ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM thì đây là nguyên nhân dẫn đến việc xác định thời điểm tính thiệt hại trong vụ án hình sự còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tòa án các cấp. Kết quả giám định thiệt hại trong một số vụ án dựa vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, trong khi một số vụ án khác lại căn cứ vào thời điểm khởi tố vụ án.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, dẫn chứng hai bản án có sự khác biệt về quan điểm xác định thời điểm và số liệu thiệt hại giữa ba cơ quan công an, viện và tòa.

Đó là hai bản án phúc thẩm đều của TAND Cấp cao tại Hà Nội, gồm vụ tháng 6-2019 án Phan Văn Anh Vũ (xảy ra tại Đà Nẵng và TP.HCM) và vụ tháng 5-2020 án Phan Văn Anh Vũ (xảy ra tại Đà Nẵng).

Hai bản án có hiệu lực này có sự khác biệt về quan điểm xác định thời điểm và số liệu thiệt hại giữa Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao và của chính TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Cụ thể về vụ án đầu, sau khi TAND TP Hà Nội tuyên án, VKSND TP Hà Nội đã kháng nghị phúc thẩm cho rằng thiệt hại trong vụ án này cần phải được tính tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.159 tỉ đồng. Án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền 135,3 tỉ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước và xã hội.

TAND Cấp cao tại Hà Nội đã không chấp nhận kháng nghị. Tòa xác định hậu quả thiệt hại của vụ án tại thời điểm xảy ra sai phạm như án sơ thẩm. Tiếp đó, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra theo thời điểm khởi tố vụ án.

Ngày 5-12-2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm, ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT kết luận về việc xác định thiệt hại trong vụ án. Cụ thể, khoa học pháp lý và pháp luật hình sự xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này, hai cấp tòa xác định thiệt hại tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật.

 

Hai cách tính thiệt hại

Trong vụ án liên quan đến Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri), kết luận điều tra bổ sung ngày 17-5-2021 của cơ quan điều tra Bộ Công an còn đưa ra cách xác định hậu quả thiệt hại theo hai phạm vi:

(1) Thiệt hại làm căn cứ xử lý hình sự, được xác định là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đến khi tội phạm hoàn thành (thời điểm chuyển nhượng dự án đến khi Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT thực hiện xác nhận đăng ký biến động đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

(2) Thiệt hại để xem xét trách nhiệm về mặt dân sự, được xác định là thời điểm tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn (thời điểm khởi tố vụ án).

Xác định thiệt hại lúc nào?

Trở lại vụ án ông Tài, không phải đến giờ vụ án mới có tranh cãi về thời điểm xác định thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự với các bị cáo.

Xử sơ thẩm, HĐXX cho rằng cần xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, tức ngày ban hành quyết định giao đất cho Công ty Lavenue mới phù hợp với khoa học - pháp lý và pháp luật hình sự.

Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) phân tích thêm: Thiệt hại sẽ ra con số 1.927 tỉ đồng nếu đã thuê đủ 50 năm. Tuy nhiên vụ án này, chỉ sau bốn năm đã bị phát hiện và đình chỉ việc thuê, Nhà nước đã thu hồi lô đất và hiện nay sử dụng theo phương án mới.

Theo luật sư Long, 46 năm còn lại (trong thời hạn thuê đất 50 năm) thì Nhà nước không còn thiệt hại hoặc thất thoát gì trong vụ án. Còn nếu tính toán thiệt hại như VKS thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự cho cả những thiệt hại dự kiến sẽ xảy ra trong 46 năm tới và không do mình gây ra hoặc quản lý.

Luật sư Phan Trung Hoài cho biết có một thực trạng là nhiều kết luận giám định giá tài sản của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương đưa ra hai kết quả định giá vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm và thời điểm khởi tố vụ án.

Với quan điểm cần xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, luật sư Hoài từng kiến nghị Hội đồng Tư vấn án lệ quốc gia lựa chọn và đề xuất đưa Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT nêu trên thành án lệ về thời điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án hình sự. TAND Tối cao đã lên kế hoạch thẩm định dự thảo này nhưng hiện đã tạm dừng.

Phạm tội lúc nào tính thiệt hại lúc đó?

TS-luật sư Lương Khải Ân, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: Nguyên tắc chung là phải xác định theo giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá, kể cả trong quan hệ tố tụng dân sự hoặc hình sự để giải quyết, bảo đảm tối đa quyền lợi của bị hại (khoản 1 Điều 4 Nghị định 30/2018). Đặc biệt là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, Đảng và Nhà nước đang rất quyết liệt đấu tranh, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Đối với thời điểm xác định thiệt hại, TS-luật sư Lương Khải Ân chia làm hai trường hợp:

Nếu tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện, ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc, áp dụng kể cả trường hợp sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc. Nếu không thể xác định được theo định hướng đã nêu thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án là có cơ sở dựa theo khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Trong khi đó, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng phạm tội thời điểm nào thì thiệt hại tính lúc đó.

Ở thời điểm hành vi vi phạm, nếu đủ căn cứ, yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm mới bị xử lý. Cũng vì thế, việc định giá tài sản ở thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là phù hợp.

Tinh thần của pháp luật hình sự mang tính tiến bộ thể hiện qua nguyên tắc suy đoán vô tội và những quy định có lợi cho người phạm tội được quy định tại Điều 13, Điều 379, Điều 401 BLTTHS và Điều 7 BLHS. Do đó, những quy định nào có lợi cho người phạm tội phải được áp dụng.

Theo luật sư Hoan, pháp luật hình sự phải thống nhất giữa BLHS, BLTTHS và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, Điều 4 Nghị định 30/2018 lại đi ngược với tính thống nhất đó. Đây là điều bất hợp lý, cần phải được khắc phục sớm. 

   

Ý nghĩa quan trọng của con số thiệt hại

Khoản 3 Điều 219 BLHS về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định mức hình phạt 10-20 năm tù khi phạm tội gây thiệt hại tài sản từ 1 tỉ đồng trở lên. Đây cũng khung hình phạt cao nhất trong điều luật.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài tám năm tù; bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue), Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) cùng mức án năm năm tù; Nguyễn Hoài Nam (cựu bí thư Quận ủy quận 2 - cũ, TP.HCM) bốn năm tù và Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng Quản lý đất Sở TN&MT TP.HCM) ba năm tù.

Dù giá trị thiệt hại được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (theo quan điểm của tòa) hay tại thời điểm khởi tố vụ án (theo quan điểm của VKSND TP.HCM và VKSND Cấp cao tại TP.HCM) thì khung hình phạt đối với các bị cáo vẫn nằm trong khoản 3 Điều 219 BLHS.

Tuy nhiên, con số giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong việc HĐXX xem xét lượng hình khi quyết định mức án đối với các bị cáo.

Xem thêm: lmth.3911301-na-uv-iah-teiht-hnid-cax-meid-ioht-av-iat-hnaht-neyugn-gno-uv/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ ông Nguyễn Thành Tài và thời điểm xác định thiệt hại vụ án”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools