Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 9.400m3/s lúc 15h chiều 30-11 - Ảnh: DUY THANH
Đây quả là lượng xả lũ tăng nhanh hiếm thấy đối với thủy điện này nhiều năm qua.
Dù sau đó, theo chỉ đạo vận hành xả lũ của chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thủy điện này giảm dần lượng xả nhanh trong vài giờ để xuống còn mức 5.400m3/s, nhưng hạ du vẫn ngập lụt nặng nề.
Vì sao phải xả lũ lớn "cấp tốc" như vậy? Ông Trần Lý - tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ - nói do những ngày qua mưa cực lớn ở Tây Nguyên nên 2 thủy điện phía trên của thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ và chảy qua tràn quá lớn với tổng lượng xả đạt 10.000m3/s.
"Thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện cuối cùng trong bậc thang, nên khi nước lũ thượng nguồn xả về quá lớn, chúng tôi buộc phải xin phép để xả lũ và luôn tuân thủ sự điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên".
Còn ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói ngay trong tối 30-11, khi thấy áp lực lũ lụt hạ du quá lớn, trong lúc nước lũ từ các thủy điện phía trên vẫn đổ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhiều, ông đã phải đề nghị với Bộ Công thương để sử dụng vận hành liên hồ chứa trong trường hợp đặc biệt.
Đó là yêu cầu các thủy điện phía trên phải giảm lượng xả lũ lại để giảm bớt áp lực cho hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ, nhằm để thủy điện này kiềm chế mức xả lũ, không làm trầm trọng thêm lũ lụt hạ du sông Ba.
"Hồ chứa của thủy điện Sông Ba Hạ chỉ có 150 triệu m3, trong khi trong 24 giờ, lượng lũ từ 2 thủy điện Đắk Srông và Krông Hnăng đổ về hồ chứa này lên đến 600 triệu m3. Như vậy, nếu thủy điện Sông Ba Hạ có xả lũ cạn hồ đi nữa thì chỉ trong 6 giờ, nước lũ lại lấp đầy hồ ngay.
Do vậy để đảm bảo an toàn hồ đập, chúng tôi đã chỉ đạo vận hành xả lũ linh hoạt, xả nhiều khi triều cường chưa cao và xả thấp khi triều cường đạt đỉnh để giảm bớt ngập lụt và cũng đảm bảo an toàn hồ đập" - ông Thế nói.
Trong khi đó, chiều 1-12, khi kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại Phú Yên, ông Trần Quang Hoài - tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đánh giá mưa lũ tại tỉnh Phú Yên những ngày qua là rất lớn.
Theo ông Hoài, chính quyền địa phương đã triển khai rất tốt việc di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đến tối 1-12, 2 thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh vẫn còn xả lũ về sông Ba với tổng lượng xả 4.754m3/s. Lũ trên sông Ba sau khi đạt đỉnh vào rạng sáng 1-12 đã giảm khá chậm, đến chiều cùng ngày vẫn xấp xỉ báo động 3.
Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề
* Phú Yên: 3 người chết và 6 người mất tích. Gần 18.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ.
* Bình Định: 3 người chết, 2 người bị thương. Toàn tỉnh có 16 nhà dân bị sập và hư hỏng, 31.378 ngôi nhà bị ngập nước; 9.052m đường nông thôn bị sạt lở...
* Khánh Hòa: 1 người chết, 1 người mất tích. 1 tàu đánh cá bị đánh chìm, 2 sà lan đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi làm hư hại đường ống cấp nước sinh hoạt bắc qua cầu sông Cái, đang mắc kẹt tại cầu Hà Ra.
* Đắk Lắk: 1 người chết, 1 người mất tích. Nhiều tuyến đường và cầu cống ở 2 huyện M’Đrắk và Ea Ka bị hư hỏng nặng.
D.TH. - L.T. - M.C. - TR.T.
TTO - Đến tối 1-12 đã có gần 78.000/171.000 hộ sử dụng điện tại 6 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã được ngành điện khắc phục cấp điện trở lại.
Xem thêm: mth.66862532210211202-ul-ax-neid-yuht-od-gnurt-neim-o-meih-yugn-auq-hnahn-auq-nol-ul/nv.ertiout